Thứ Hai, 01/04/2024, 09:22 (GMT+7)
.

Hình ảnh người thầy trong truyện ngắn "Một chữ"

Tôi biết đến tác giả Đậu Viết Hương khi anh đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Viết về đề tài giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang tổ chức năm 2000 với truyện ngắn “Một chữ”. Sau đó, tiếp tục đọc các truyện và ký của anh đăng trên Văn Nghệ Tiền Giang và Báo Ấp Bắc, tôi cảm nhận những tác phẩm của anh với văn chương trong sáng, câu chữ gọn mà rất gợi, cái kết thường có hậu.

Qua truyện ngắn “Một chữ” với cái tên được chọn làm nhan đề cho cả tập truyện lại gợi ra rất nhiều ý vị về cuộc sống, số phận và nhân cách của một người mà trong thâm tâm của một câu bé - nhân vật chính của truyện tôn vinh là người thầy. Cái hay của tác giả là đã khai thác đúng tâm lý của một đứa trẻ đang tuổi mới lớn khi đánh giá ông Sáu được thể hiện ngay từ những dòng đầu tiên với tất cả sự hồn nhiên, ngây thơ và đáng yêu.

“Người mà thằng Tý thích nhất, quý trọng nhất là ông Sáu. Và cũng chính nó, lại là người không ưa ông Sáu vô số kể” - cái kiểu nửa thương nửa ghét ấy rất phổ biến trong lứa tuổi học trò. Bất cứ một đứa trẻ nào cũng không thích sự gò bó theo khuôn phép với những lời răn dạy theo kiểu: “Tý! Từ rày về sau nhớ phải đi thưa, về gởi…”, “Tý! Từ rày về sau hễ người lớn kêu phải dạ…”. Tác giả nói nhiều về tâm trạng thằng Tý nhưng cũng từ đó toát lên hình ảnh, phong cách của một ông giáo làng thời kháng chiến. Cho dù trước mặt ông, thằng Tý chưa bao giờ gọi thầy nhưng người thầy ấy vẫn thầm lặng, âm thầm theo suốt hành trình tôi luyện của “đứa học trò” có đôi chút ngỗ nghịch.

Khi xây dựng nhân vật ông Sáu, tôi đồng tình với tác giả là người thầy không nhất thiết phải đứng trên bục giảng. Hơn ai hết, chính cha mẹ, người lớn trong gia đình chính là người thầy của những đứa trẻ. Ông Sáu không đánh, không lớn tiếng la mắng nhưng qua từng hành động, cử chỉ của ông, đứa trẻ ấy dường như một lớn dần trong suy nghĩ.

Một trong những tình tiết truyện tạo được xúc động mạnh cho người đọc là hình ảnh thằng Tý bị bệnh. Khi đó “Ông Sáu ngồi cạnh bên đang chườm khăn cho nó” để rồi “Nó thầm khát khao, mơ ước giá như ông Sáu chính là cha ruột của nó”. Thằng Tý cảm thấy nó may mắn được chăm sóc, dạy dỗ bởi bàn tay, khối óc, tấm lòng cao cả, bao la của ông Sáu. Rõ ràng, ông Sáu khi ấy xứng đáng là một người cha.

Tuy không phải là cha ruột nhưng ông Sáu lại dìu dắt thằng Tý lớn dần lên về trí tuệ tâm hồn, sự hiểu biết, giúp nó có được những hành trang quan trọng để vào đời, làm người. Tác giả đã mô tả tâm trạng non nớt của thằng Tý phân vân, ray rứt giữa việc nên hay không nên gọi ông Sáu là thầy. “Bởi trong trí óc non trẻ của nó, ông thầy phải là một người cao lớn, đi giày da, đội nón kết, xách cặp táp chứ đâu như ông Sáu chỉ mặc độc mỗi bộ bà ba đen lại còn đi chân đất”.

Và khi đã không xem là thầy dạy học nên thằng Tý không muốn học, hay nói cách khác là học không vô “Nó học chữ này lại quên mất chữ kia. Ráng cho vô lỗ tai này, nó lại lén trốn qua tai nọ đi mất”. Dù tác giả đã viết truyện ngắn này khá lâu nhưng đến giờ vẫn mang tính thời sự, là có một bộ phận học sinh không thích học chữ, tâm trạng các em này giống y như thằng Tý.

Khéo léo của tác giả khi xây dựng nhân vật ông Sáu cho dù tác giả Đậu Viết Hương không miêu tả nhiều nhưng người đọc vẫn cảm nhận đây là nhân vật trung tâm trong câu chuyện. Ông Sáu thể hiện đầy đủ bản tính tự nhiên của người nông dân Nam bộ hiền lành chất phác, giàu cảm xúc. Không rõ họ tên là gì, chỉ biết rằng đây là một ông giáo làng từng trải qua nỗi đau của cuộc đời “Khi trái đạn pháo mồ côi của giặc rơi trúng giữa nhà, người thân của ông không còn một ai cả”.

Đau thương từ sự mất mát của gia đình và với tư cách chứng nhân tội ác của giặc phải chăng đã làm nên nét đa cảm trong gương mặt bành bạnh, ẩn chứa với đôi mắt lúc nhân hậu, hiền từ có lúc lại lạnh lùng, nghiêm khắc. Ông sống bình dị nhưng đối với chú Tư Hầu, anh Chín Liêm và chị Út Thảo thì “Một điều thưa thầy, hai điều thưa thầy nghe có vẻ cung kính”.

Tác giả không nói nhiều về chuyện ông Sáu dạy chữ ra sao, nhưng qua việc xây dựng tính cách của ông ai cũng có thể hiểu ông là người tâm huyết với nghề nghiệp. Ông là một trí thức có trái tim nhân hậu rất đáng quý. Ông còn là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi, tin cậy của thằng Tý, thương nó như con ruột. “Trong những ngày nó bệnh, ông Sáu tự tay nấu cháo, đút cho nó từng muỗng”, ông đã đồng cảm, thương xót, san sẻ với thằng Tý với tất cả tình người.

Ông giáo đã thương nó “như thể thương thân”, còn tìm mọi cách để nó lớn lên trong suy nghĩ và hành động bằng việc kiên nhẫn dạy chữ cho dù biết rằng “học trò” của mình lười biếng học. Có lẽ đây là triết lý sống xen lẫn cảm xúc xót xa của anh Đậu Viết Hương. Đó là ở đời cần phải có một trái tim biết rung động, chia sẻ, biết yêu thương, bao bọc người khác, cần phải nhìn những người xung quanh mình một cách đầy đủ, phải biết nhìn bằng đôi mắt của tình thương.

Khi thằng Tý ân hận cũng là lúc ông Sáu không còn nữa. Dù tác giả không viết ra, nhưng ai cũng hiểu rằng khi “Thằng Tý xoay xoay tờ giấy trên tay nhưng không tài nào đánh vần nổi”, và  khi đã nhờ người khác đọc dòng chữ mà cô Út Thảo ghi lại khiến “Trời đất như ngả nghiêng, hai tai nó ù đặc” thì người đầu tiên nó nhớ đến chính là ông Sáu. Chỉ bao nhiêu đó thôi, tác giả cũng chuyển tải hết sự hối hận, ăn năn của đứa học trò lười biếng học, nhận ra được cái lỗi của chính mình. Không riêng gì thằng Tý mà từ xưa đến nay có biết bao học trò cũng lâm vào tình cảnh như thế.

Cuối câu chuyện, với lối viết giản dị, xúc tích và nhiều hình ảnh, tác giả làm cho người đọc thật sự xúc động về cái chết của ông Sáu. “Đôi mắt ông mở to, không còn vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc cũng không đượm vẻ nhân hậu hiền từ. Ánh mắt như toát lên một niềm kiêu hãnh. Đôi môi ông hé mở. Hình như trước lúc chết ông đã hé nở nụ cười”. Thằng Tý khẽ cất lời than trước vong linh ông và sự ăn năn tận trong đáy lòng bị dồn nén bấy lâu nó đã thốt lên hai tiếng “Thầy ơi!”.

Tiếng kêu của nó xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Hình ảnh ông Sáu trước khi chết như nở nụ cười cùng tiếng thốt lên của thằng Tý tạo nên cái kết của câu chuyện cảm động đầy tính nhân văn. Câu chuyện không chỉ ca ngợi tình cảm sâu nặng, thắm thiết của ông Sáu và thằng Tý, mà còn gợi cho chúng ta những suy ngẫm và thấm thía sự đau thương, mất mát của chiến tranh tàn khốc gây ra.

Chủ đề của câu chuyện không mới lạ, nhưng tác giả thành công bởi đã khai thác mối quan hệ tình cảm của hai nhân vật trong những tình huống éo le và cảm động. Cách lựa chọn tình tiết, tạo lập tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lý cùng với việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế, sâu sắc, đặc biệt là tâm lý trẻ mới lớn, hơn nữa lại có giọng văn dung dị, cảm động đã giúp truyện ngắn “Một chữ” có được vị trí riêng trong lòng độc giả.

LÊ QUANG HUY

.
.
.