.

Nét duyên dáng, mộc mạc trong thơ Nguyễn Thanh Hải

Cập nhật: 09:27, 27/05/2024 (GMT+7)

Nhà thơ Nguyễn Thanh Hải đang công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Những năm gần đây, thơ của anh xuất hiện nhiều trên diễn đàn thi ca, tạp chí văn học trong cả nước. Gần đây, anh đã đạt nhiều giải thưởng như: Giải Nhất Cuộc thi Thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI năm 2020; giải Nhì Cuộc thi Thơ “Nhân nghĩa đất Phương Nam” do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021; giải Ba Cuộc thi Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2021 - 2022)…

Nhà thơ Võ Tấn Cường nhận xét: “Đọc và cảm nhận thơ của Thanh Hải, người yêu thơ nhận ra một hồn thơ hồn hậu, gắn bó máu thịt, sâu nặng với con người, sự vật và cảnh sắc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cái hồn của sự vật, của cánh đồng, dòng sông… thấm đẫm trong từng câu thơ và nhiều bài thơ của Thanh Hải”. Với tập thơ Nước mắt không làm sáng hơn bầu trời chạng vạng, tác giả Trần Huy Minh Phương cho rằng: “Thơ của Thanh Hải đậm tính tự sự và duyên dáng, mộc mạc, tự nhiên như chất miền Tây Nam bộ. Đó là bụi tre, cọng rau…”.

Nhà thơ Nguyễn  Thanh Hải trong ngày tọa đàm thơ của anh.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Hải trong ngày tọa đàm thơ của anh.

Đọc thơ anh, tôi thấy còn thể hiện khát vọng cuộc sống khi bay bổng, khi sâu lắng, thật dễ thương. Mỗi bài thơ mang một dòng tâm trạng, suy tư riêng, mang đến những đề tài phong phú cho người đọc, đó là những khoảnh khắc đáng quý của tình yêu, là những nỗi niềm suy tư về cuộc đời, là những kỷ niệm từ thời cắp sách đến trường cho đến khi giảng dạy, đi công tác. Thơ của anh còn xuất phát từ sự ngẫu hứng tức thì của tâm hồn một thi sĩ như bài thơ Buffet của mẹ:

“Mẹ chưa một lần ăn buffet nhà hàng
hay khách sạn
khi tôi kể về những điều đó
mẹ cười
vậy hả?...
mẹ nói mẹ đã ăn rồi
buffet quê sáng
là khi mẹ khoác áo mỏng ra đồng
thưởng thức vài món sương mai lành lạnh
trong từng kẽ răng
lập cập như người ta nhai cao su kẹo
mẹ cầm bình minh hớp vội vàng vài hớp nắng
chan thêm một ít tiếng chim cho vừa
mồ hôi mặn
rồi uống một tách trà của gió
buffet sáng đồng quê của mẹ đó!...”

Có lẽ bài thơ này cảm hứng từ những chuyến đi tập huấn chuyên môn, trại sáng tác ở khách sạn sang trọng, chạnh lòng nhớ tới người mẹ quê nhà, khi buffet là vài món sương mai lành lạnh trong từng kẽ răng, hớp vội vàng vài hớp nắng, chan thêm một ít tiếng chim cho vừa mồ hôi mặn, uống một tách trà của gió.

Những câu thơ như thấm vào lòng người, bởi cảm xúc trực tiếp và nhiều mối liên tưởng độc đáo, sức quyến rũ của tiết tấu và thanh điệu. Tất cả những yếu tố ấy ùa vào lòng người đọc, khắc sâu thêm những tình cảm của người con với mẹ ở quê nhà, tạo nên ấn tượng khó phai mờ.

Trong tập thơ Nước mắt không làm sáng hơn bầu trời chạng vạng có nhiều bài giàu chất thơ và trí tuệ. Lúc cảm hứng, anh viết về cảnh đẹp của thiên nhiên với những câu thơ “tức cảnh sinh tình” cũng rất tài hoa, câu chữ trau chuốt:

“Giấc trưa nào giàn mướp rủ rê tôi
Trổ một màu vàng xa vắng
Nỗi nhớ đi đâu mà bông keo tròn vừa vặn
Bờ ao gầy mưa nắng đã bao phiên”.

                          (Nhắn giùm hoa đậu biếc)

Bản chất của thơ ca là nhịp điệu của cảm xúc, tâm trạng và hình ảnh. Đó là sự rung ngân của ý tình trong một khoảnh khắc khi người thi sĩ chợt bắt gặp. Với thơ của Thanh Hải, bên cạnh nét đẹp của thiên nhiên còn đâu đó ẩn chứa lời gởi gắm. Trong bài Bởi mùa thu đã từ chối nhau rồi, anh mượn mùa thu viết về mối tình không trọn vẹn, một sự tiếc nuối sâu xa, khiến người đọc thấy nao lòng. Và chính vì thế mà dường như tất cả những gì liên quan đến tình yêu, đến người mình yêu đều thấy rất đáng yêu.

“Sao không bồ câu thật lòng
Gù nhau thôi làm gì mà giấu
Tôi và em bây giờ không thể thấy
                         đường xa làm trang điểm
Bởi mùa thu đã từ chối nhau rồi”.

Thơ của Thanh Hải có nhiều câu, từ “đắt giá”, bởi anh luôn mang đến sự bất ngờ cho người đọc. Như câu thơ trên, anh mượn tiếng “gù’ của bồ câu để nói đến tình yêu đôi lứa. Hay từ “lẫy” trong câu thơ “không biết mùa thu đã lẫy gì” trong bài thơ này, để nói về sự hờn dỗi thường bắt gặp trong tình yêu.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Hải đã biết tự làm mới mình qua phong cách sáng tác, hình thức thể hiện. Mỗi bài thơ mang một dòng tâm trạng, suy tư riêng, mang đến những đề tài phong phú cho người đọc.

Đến nay, anh đã xuất bản 4 tập thơ: Cúi chiều nhặt sóng (năm 2013); Mùa dang tay tha thứ những quay về (năm 2020); Nước mắt không làm sáng hơn bầu trời chạng vạng (năm 2020); Muôn hồi nắng cũ (năm 2023). Tin rằng, với sự sáng tạo của mình, nhà thơ Nguyễn Thanh Hải sẽ còn tỏa sáng trên văn đàn và giành được nhiều hơn nữa niềm yêu mến của bạn đọc.

HOÀNG DANH

.
.
.