Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt
Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định ở tỉnh Tiền Giang, gồm: Mộ và Đền thờ Trương Định (TP. Gò Công); Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời (xã Gia Thuận), Ao Dinh (xã Tân Phước), huyện Gò Công Đông; Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 694 ngày 18-7-2024.
MỘ VÀ ĐỀN THỜ TRƯƠNG ĐỊNH
Chính tại nơi đây, Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định bị tên Việt gian Huỳnh Văn Tấn là thuộc hạ của Trương Định dẫn lính bao vây sát hại. Tuy bị dồn vào thế cùng nhưng Trương Định và nghĩa quân của ông chiến đấu tới hơi thở cuối cùng và quyết không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tuẫn tiết, bảo toàn khí tiết tại Ao Dinh.
Giặc Pháp đưa thi thể ông về Gò Công và không cho ai lấy thi thể. Bà Trần Thị Sanh (vợ thứ của ông) tìm cách đưa xác chồng về tổ chức lễ tang một cách long trọng. Bà cho xây mộ chồng bằng hợp chất ô-dước và đá ong. Sau khi mộ được xây xong, sợ bị nghĩa quân của Trương Định đoạt thi thể, giặc Pháp cắt lính bố phòng chung quanh ngôi mộ. Không những thế, chúng cho đục bỏ hàng chữ “Bình Tây đại tướng quân”.
Năm 1873, bà Trần Thị Sanh gửi đơn xin lập mộ mới cho chồng, nhưng gặp trở ngại. Ngày 2-3-1874, bà lại đệ đơn xin lập lại mộ và được cấp phép. Bà liền xây lại mộ và lập văn bia ca ngợi ông. Nhưng đến ngày 8-9-1875, bà nhận được công văn phúc đáp, chỉ xây mộ, còn văn bia bằng chữ Nho phải đục xóa. Ngày 2-3-1897, bà Trần Thị Sanh lại làm đơn xin làm lại mộ Trương Định nhưng không thấy có văn bản phúc đáp.
Mãi đến năm 1930 - 1931, lợi dụng lúc thực dân Pháp nới tay cho gia đình Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải - Huỳnh Thị Điệu (cháu ngoại Trần Thị Sanh), bà Điệu đã trùng tu ngôi mộ của Trương Định. Lần này xây thêm một vòng thành bằng đá cho đúng tước Quận công truy tặng.
Tấm bia cũ bị đục bỏ được thay bằng tấm bia mới. Tấm bia được khắc “Đại Nam - Phấn Dũng đại tướng quân, truy tặng Ngũ quân Quận công, Trương Công Định chi mộ”. Trên bia ngày mất của Trương Định: 20-8-1864.
ĐỀN THỜ TRƯƠNG ĐỊNH
Đền thờ AHDT Trương Định tại xã Gia Thuận - nơi thờ cúng ông, người có công khai phá mở mang vùng đất Gò Công nói chung và khu vực Gia Thuận, Tân Phước nói riêng, là một trong những người lãnh đạo nhân dân Nam kỳ đứng lên kháng Pháp đầu tiên trong giai đoạn 1859 - 1864.
Đền thờ AHDT Trương Định tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. |
Đêm 19 rạng ngày 20-8-1864, tên phản bội Huỳnh Văn Tấn dẫn giặc Pháp bao vây ông và những nghĩa quân tâm phúc của mình tại làng Tân Phước. Trương Định bị trọng thương, để không rơi vào tay giặc, ông rút gươm tuẫn tiết tại Ao Dinh, ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông.
Để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ công đức của ông, nhân dân Gò Công thường gọi là “Ông Lớn”; nhân dân Gia Thuận đã lập đền thờ. Và để che mắt địch nên gọi là Đình Gia Thuận. Đền thờ AHDT Trương Định tại xã Gia Thuận được trùng tu, sửa chữa lại trong những năm gần đây trên cơ sở đình cũ rất khang trang và tôn nghiêm.
ĐÁM LÁ TỐI TRỜI
Đám lá tối trời, nơi ghi dấu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của AHDT Trương Định. Trong những năm 60 của thế kỷ XIX, người AHDT Trương Định đã lập căn cứ địa tại Đám lá tối trời ở Gia Thuận, huyện Gò Công Đông từ năm 1861 - 1864. Chính nơi đây, Trương Định đã viết hịch kêu gọi các tầng lớp nhân dân và sĩ phu Nam kỳ lục tỉnh đứng lên góp công góp sức chống lại ách xâm lược của giặc Pháp.
AO DINH
Di tích Ao Dinh, ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, nơi ghi dấu về sự hy sinh anh dũng vì nước, vì dân của người AHDT Trương Định - người đã lãnh đạo nhân dân và nghĩa quân chống quân xâm lược Pháp từ năm 1859 - 1864. Nơi đây, rạng sáng ngày 20-8-1864, tên Huỳnh Văn Tấn (Đội Tấn) là thuộc hạ của Trương Định đã phản bội, dẫn giặc về bao vây hòng bắt sống Trương Định và nghĩa quân thân cận của ông. Trương Định bị thương nặng trong cuộc tử chiến với giặc. Để không cho giặc bắt sống ông đã dùng gươm tuẫn tiết, thể hiện khí phách của người anh hùng.
LŨY PHÁO ĐÀI
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, ở Cửa Tiểu từ năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1834) đã có Tấn Sở (nơi đồn trại phòng thủ) là một Bảo bằng đất, gọi là Đồn Từ Linh, chu vi 60 trượng (tức khoảng 38 m), cao 5 thước 5 tấc (tức khoảng 2,6 m), mở hai cửa, được lập ra để bảo vệ cửa biển, sau đó có thêm chức năng thu thuế. Năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1843) và năm thứ 7 (năm 1847) được sửa lại.
Lũy Pháo Đài ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: T.L |
Để việc kiểm soát tàu, thuyền và thu thuế được thuận lợi, hơn nữa, để cản bớt sự tấn công của tàu giặc, triều đình nhà Nguyễn cho đắp cảng bằng đá. Hiện nay vẫn còn vết tích của cảng này bên bờ cửa Tiểu. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta.
Tháng 2-1859, chúng chiếm thành Gia Định. Tháng 4-1861, chiếm thành Định Tường, Trương Định trở về Tân Hòa xây dựng căn cứ kháng Pháp, đây là trung tâm kháng chiến mạnh nhất ở Nam kỳ lúc bấy giờ. Ông cho một số quân đóng ở đồn Từ Linh để giữ Cửa Tiểu. Đồn được mở lớn, đắp thành lũy, được gọi là Lũy Pháo Đài.
Lũy Pháo Đài tuy đơn sơ, chỉ là một thành đất hình lục giác, có hào sâu, trại lính, giếng nước ngọt, kho vũ khí, lương thực và một khẩu thần công nhưng đây là vị trí quân sự quan trọng của vùng Cửa Tiểu, nơi không thể thiếu đồn lũy để canh giữ vùng đất có tính chiến lược này.
NGUYỄN MẠNH THẮNG