Về Long Trung nghe chuyện dòng họ Hồ Đắc hiếu học
Cách đây 300 năm, thủy tổ dòng họ Hồ Đắc di cư từ làng Truồi, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào định cư tại làng Mỹ Đông Trung (nay là xã Long Trung, huyện Cai Lậy) lập nghiệp. Trải qua 11 đời gắn bó với vùng đất phương Nam, dòng họ Hồ Đắc không chỉ có công khai cơ, lập nghiệp mà còn duy trì nền nếp gia đình theo tộc ước và truyền thống hiếu học qua nhiều thế hệ.
Lúc hai cụ thủy tổ mới đến, làng Mỹ Đông Trung còn hoang hóa, hai cụ phải cất chòi trên cây cao để tránh thú dữ nên người làng gọi là Ông Chòi, Bà Chòi. Sau khi ông bà mất, mộ được an táng tại ấp 6, xã Long Trung. Con cháu họ Hồ Đắc đời sau tiếp tục làm ăn, sinh sống ở vùng đất này.
Bám trụ vùng đất phương Nam 11 đời từ khi các cụ thủy tổ từ miền Trung về lập nghiệp, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự đổi thay của đất nước nhưng dòng họ Hồ Đắc vẫn duy trì nền nếp của gia đình và truyền thống hiếu học qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, tại xã Long Trung, họ Hồ Đắc được xem là hậu hiền khai cơ làng Mỹ Đông Trung.
Dấu ấn của các bậc tiền nhân còn để lại qua những công trình phục vụ dân sinh như cầu Ông Bầu, chợ Ba Dừa, đình Long Trung. Đặc biệt, đình Long Trung, một di tích lịch sử cấp quốc gia hiện nay vẫn còn thờ linh vị ngài Hồ Đắc Học – vị tiền hiền đã có nhiều đóng góp trùng tu chợ và đình.
Bảng vàng của dòng họ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia cũng ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của nhiều người con ưu tú, là niềm tự hào của họ tộc.
Khen thưởng những tấm gương học tập xuất sắc của con cháu dòng họ Hồ Đắc nhân dịp giỗ Tổ lần thứ 37. |
Ông Hồ Đắc Dũng – Tổng thư ký Hội gia tộc Hồ Đắc ở Tiền Giang cho biết: Trong cuộc sống hiện nay, dù còn khó khăn vì điều kiện của mỗi người khác nhau nhưng việc gắn kết tình cảm thân tộc và công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ vẫn không bị bê trễ.
Người ta nói cây có cội, nước có nguồn, người có ông, bà tổ tiên nên con cháu dù lập nghiệp ở nơi đâu đến ngày giỗ Tổ 25 và 26-10 âm lịch hàng năm đều tụ họp về nhà thờ tổ ở ấp 6, xã Long Trung dự lễ giỗ. Đây là dịp để con cháu quây quần, ôn lại truyền thống, thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và thắt chặt mối quan hệ thân tộc.
Những năm qua, các thành viên trong dòng họ Hồ Đắc còn tìm về thăm và xây dựng mối quan hệ mật thiết với họ Hồ Đắc ở Huế, nơi hai cụ thủy tổ sinh sống trước khi vào Nam. Trong tộc ước của dòng họ Hồ Đắc, có hai điều đáng quí là nêu cao tình “Đoàn kết, thương yêu, chia sẻ và cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, tộc họ” và “Dạy bảo con cháu chăm ngoan, học giỏi và biết ơn ngài Thủy tổ Hồ Đắc đã khai sinh ra họ tộc” – một nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.
Hàng năm, nhân lễ giỗ, công tác khuyến học của dòng họ Hồ Đắc được duy trì bằng việc tuyên dương, khen thưởng thành tích học tập của con cháu. Qua nhiều năm thực hiện công tác khuyến học, Quỹ Khuyến học của dòng họ Hồ Đắc đã trao hàng trăm suất học bổng động viên những tấm gương học tập xuất sắc, nâng đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn học hành đến nơi đến chốn, vào đời thành đạt. Đặc biệt, phát huy tình tương thân tương ái, con cháu trong dòng họ luôn ý thức tương trợ lẫn nhau để cùng tiến bộ, đóng góp trí tuệ, sức lực xây dựng quê hương.
Qua những hoạt động như thế, tinh thần hiếu học càng được nhân rộng. Tính đến nay, trong 300 thành viên dòng họ Hồ Đắc đang sinh sống, làm việc ở nhiều địa phương khác nhau và định cư ở nước ngoài có 2/3 theo nghề giáo, công tác trong ngành Y và là cán bộ, công chức.
Nhiều người đỗ đạt, thành tài, giữ chức vụ quan trọng như ông Hồ Đắc Liêm – Phó Ban Tuyên huấn tỉnh Tiền Giang (đã nghỉ hưu), ông Hồ Đắc Việt Thanh hiện là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Tiền Giang...
Nền nếp gia đình và truyền thống hiếu học của dòng họ Hồ Đắc ngày càng được vun đắp là nhờ sự khuyến khích, giữ gìn của bao thế hệ bằng những việc làm ý nghĩa. Con cháu họ Hồ Đắc luôn biết gia phả của mình, tự hào về cội nguồn để sống cho xứng đáng, kính trọng những tấm gương hiếu học của ông cha, anh em mình. Sự thành đạt của mỗi thành viên đều được ghi nhận như một dấu son tô điểm thêm truyền thống hiếu học và góp sức để làm rạng danh dòng họ.
TRƯỜNG GIANG