Anh Thái Châu với hoài bão lai tạo một loại lan mang tên mình
Ghé thăm điểm Hoa Lan Thái Châu (Quốc lộ 1A, Ấp Long Lợi, xã Long Hưng, huyện Châu Thành) vào một ngày nắng nóng, chúng tôi như lạc vào một không gian xanh mát dịu, điểm xuyến những màu hoa thích mắt. Anh nông dân tuổi trung niên Thái Châu (sinh 1974) đang cặm cụi bên những cây lan con vừa nhú lá. Sau những trao đổi về nghề trồng lan, chúng tôi được nghe Thái Châu tâm sự:
“Cũng như tất cả những người chơi lan khác, tôi thấy lan đẹp nên mua vài chậu về chơi và thích rồi đam mê. Tôi trồng, rồi nghiên cứu về lan. Qua tìm hiểu, được biết lan Việt Nam đều nhập ở nước ngoài về. Được tiếp cận và biết nông dân Thái Lan đa phần đều biết lai tạo lan để xuất khẩu, Việt Nam cũng là một trong những thị trường lớn đón nhận lan của Thái.
Nhìn lại, chúng ta cũng có điều kiện và tư duy để làm việc này, thế nên từ một người chơi lan, kinh doanh lan, tôi đi vào con đường nghiên cứu lai tạo lan để có nguồn cung cấp cho thị trường lan Việt với giá thành mềm hơn”.
Thái Châu và chậu lan đột biến gen trị giá 25 triệu đồng. |
Việc ươm, ghép, lai tạo lan ngoài kiến thức, tư duy, kinh nghiệm, người làm công việc này phải có ý chí bền bỉ, kiên nhẫn. Quy trình ươm lan rất công phu và diễn ra trong vòng từ 3 - 4 năm, hoặc hơn nữa lan mới ra hoa nhưng chưa chắc đã như ý.
Từ thụ hoa ra trái khoảng 4 tháng, chọn lựa hạt giống và đưa vào ống nghiệm 1 năm, đem mầm con ra trồng 1 năm rưỡi cây mới trưởng thành và khoảng 1 năm nữa lan ra hoa. Khi lan có hoa, chủ vườn chọn những cây có hoa đẹp để lai tạo giống mới hoặc bán giá tốt hơn, còn lan có hoa bình thường phân phối cho người chơi hoa trong tỉnh hoặc trên toàn quốc bằng đường bưu điện. Ngoài buôn bán, trao đổi cây con giống, Thái Châu còn nhận trang trí lan trong khuôn viên nhà ở, các công ty…
Thăm vườn ươm của Thái Châu, nhìn những cây non chỉ bằng đốt tay chưa có lá nằm chi chít trong những khoanh bầu bằng miệng ly trà, chỗ thì lớn hơn một chút có một, hai lá… vậy mà công sức đã đổ ra gần 2 năm trời.
Cả khuôn viên lan của Thái Châu có khoảng 15 ngàn cây con lớn nhỏ, phủ lên màu xanh và lác đác những cành hoa lan sắc hoa và kiểu dáng hoa đẹp, lạ. Lan Thái Châu chia ra từng khu: Khu lan mới ra ống nghiệm, lan chuẩn bị ra lá, lan đã trưởng thành và một khu lan ghép chậu… ở đây hiện có 25 loài chính, mỗi loài lai tạo được từ 5 - 7 loại.
Những năm đầu Thái Châu vẫn phải nhập giống từ các nước, sau đó liên hệ chọn giống từ Đà Lạt hoặc chọn giống từ anh em cùng nghề trên toàn quốc, hiện nay anh hạn chế nhập lan nước ngoài.
Nguyên liệu để trồng lan: Rêu được chuyển về từ Bắc Cạn, vỏ dừa ở miền Tây… tùy giống lan mà dùng nguyên liệu phù hợp để trồng.
Tùy theo độ tuổi mà bón phân, phun thuốc; mái che dày, mỏng cho đúng nhu cầu của cây. Lan như một phụ nữ kiêu sa, nhưng nếu hiểu lan thì việc chăm sóc không phải là khó. Thế nhưng để “hiểu” loài hoa này thì chúng ta phải có lòng yêu thích và bỏ không ít công sức, thời gian tiếp cận, theo dõi.
Hoa Lan Thái Châu giá cả tùy theo giống, lứa tuổi, cây con mới ra lá cho tới lan giò, lan chậu… từ vài ngàn đồng đến 5 triệu đồng, 10 triệu đồng. Thái Châu đưa chúng tôi xem một giò lan đang ra hoa bảo là giá 25 triệu đồng, “người phàm, mắt thịt” như chúng tôi chỉ biết ồ lên kinh ngạc vì giá cả và gật gù theo diễn giải của người trong nghề:
“Nó là lan Dendrolium đột biến, hoa lan thường màu hồng nhưng ở đây hoa nó có vân, sọc và cánh hoa cũng khác thường… tôi đang giữ lại để lai tạo, từ 3 đến hơn 4 năm nữa mới biết hoa có như ý mình không, hay nó trở lại hình dáng, màu sắc thuần chủng cũng không chừng; cái máu kiên trì của người ươn và lai tạo giống lan “thắng không kiêu, bại không nản” là chỗ đó”.
Gian nan là vậy, nhưng người nông dân “đẳng cấp” này vẫn mang một hoài bão lớn, anh sẽ nghiên cứu lai tạo một giống lan mới của riêng mình đăng ký bản quyền quốc tế. Điều này sẽ diễn ra 5 hoặc 10 năm sau, Thái Châu vẫn bình tĩnh chia sẻ rằng:
“Tôi đã vạch sẵn 2 mục tiêu cho mình để không hụt hẫng: Nếu thành công Thái Châu sẽ có lan, có tên tuổi tầm quốc tế; còn nếu không thành công, Hoa Lan Thái Châu vẫn còn thương hiệu lai tạo, trao đổi lan như một người kinh doanh lan bình thường”.
Hoài bão có được sở hữu trí tuệ giống lan riêng! Thành công hay không còn là một ẩn số, hiện tại Thái Châu vẫn nuôi hy vọng và cháy bỏng niềm đam mê với công việc ươm lan, lai tạo và góp phần phát triển lan nội địa, giảm nhập lan giá cao cho người trồng và kinh doanh lan có thêm thu nhập và người bình dân yêu thích lan có điều kiện đến với thú chơi tao nhã và làm đẹp môi trường.
ÁI QUỲNH