Thứ Tư, 22/06/2016, 11:23 (GMT+7)
.

Những đổi thay trên quê hương Tân Thạnh

Nằm trên cù lao Lợi Quan bốn bề sông nước, trước đây người ta chỉ biết đến vùng đất Tân Thạnh  với những địa danh như cồn Cô, cồn Cậu, cồn Bà, cồn Thầy Thiện, cồn Ông Ban; là vùng đất từng được mệnh danh “5 không”: Không đường, không trường, không trạm, không điện và không có nguồn cung cấp nước sạch. Nhưng giờ đây Tân Thạnh đã có nhiều đổi thay đến không ngờ.

Trường học được xây dựng đạt chuẩn Quốc gia.
Trường học được xây dựng đạt chuẩn Quốc gia.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những địa danh cồn Cô, cồn Cậu, cồn Bà, cồn Thầy Thiện, cồn Ông Ban (thuộc xã Tân Thới, huyện Gò Công Tây) là những căn cứ cách mạng, là điểm dừng chân làm bàn đạp của lực lượng du kích, bộ đội tấn công vào hang ổ của kẻ thù.

Lịch sử vùng đất này từng ghi lại: “Từ căn cứ cồn Bà, cồn Ông Ban, lực lượng của ta thường xuyên len lỏi về các ấp vận động nhân dân đấu tranh và khi có thời cơ thì tổ chức tập kích vào các đồn bót của địch đóng trên quận Hòa Đồng.

Tháng 4 - 1975, lực lượng du kích xã tập trung di chuyển về đứng chân trên ấp Tân Phú, Tân Quý, Tân Hưng phối hợp với bộ đội địa phương chia thành 2 cánh kéo đi bứt rút, bứt hàng các đồn bót địch đóng trên địa bàn. Đến 8 giờ sáng ngày 1-5-1975, xã Tân Thới hoàn toàn được giải phóng”.

Nói về vùng đất Tân Thạnh xưa, ông Nguyễn Chí Trung, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Gò Công Tây (1983 - 1985) kể rằng: “Những năm cuối thế kỷ 17, các cuộc xung đột, tranh chấp giữa các tập đoàn phong kiến phương Bắc diễn ra triền miên, làm cho dòng người di cư Đàng ngoài vào Đàng trong ngày càng nhiều. Một số theo các cửa sông lớn vào chọn những giồng đất cao, gần kinh rạch trên cù lao Lợi Quan định cư, khẩn hoang mở đất lập nghiệp.

Ngày ấy, nơi đây rất sẵn cây gỗ và vật liệu làm nhà; tôm cá, chim muông thậm chí cả thú dữ nhiều vô kể. Đến cuối thế kỷ 18, khi cư dân đã đông đúc, ruộng đất khai khẩn đã nhiều, triều đình nhà Nguyễn lập nên thôn Hòa Thới phía Tây Cù lao Lợi Quan (thuộc huyện Kiến Hòa, dinh Trường Đồn) để quản lý. Đến năm 1836, thời Vua Minh Mạng, thôn Hòa Thới được đổi tên thành làng Tân Thới, gồm 12 ấp, trong đó có ấp Tân Thạnh, tiền thân của xã Tân Thạnh ngày nay”.

Kể về xã Tân Thạnh ngày đầu thành lập, ông Trần Hữu Ngộ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã đầu tiên (2002 - 2008) bồi hồi nhớ lại: “Xã Tân Thạnh chính thức được thành lập vào ngày 15-2-2002, theo Nghị định 07/MĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Hồi đó, Tân Thạnh là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 70%, trụ sở của xã chưa có nên mượn tạm nhà dân để làm việc, còn trạm xá là một chiếc ghe cơ động, đi từ cồn này sang cồn kia.

Cán bộ đi công tác lên huyện, xuống ấp hết sức vất vả vì phải qua nhiều lần đò giang, kinh rạch. Tóm lại, là một xã nằm giữa bốn bề sông nước, đường sá giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng nên vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vẫn còn mang tiếng là vùng đất “5 không”.

Sau hơn 10 năm thành lập, Tân Thạnh bây giờ đã có nhiều nét đổi thay, ông Nguyễn Thanh Hải, nguyên Bí thư Đảng ủy xã (2008 - 2015) phấn khởi cho biết: “Không ai có thể ngờ được rằng, vùng đất Tân Thạnh có được như ngày hôm nay. Nhất là kể từ khi trở thành một xã thuộc huyện mới Tân Phú Đông thì điện, đường vươn dài xuống tận các ấp, trạm xá, trường học đạt chuẩn Quốc gia, kinh tế có bước phát triển vượt bậc.

Điều đáng nói là được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành của tỉnh và huyện, cơ sở hạ tầng của xã Tân Thạnh đã được xây dựng cơ bản và chuyển đổi được cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của một vùng đất chịu nhiều tác động của triều cường, nhiễm mặn và thiếu nước ngọt.

Hầu hết diện tích vườn đã đi vào chuyên canh các loại cây trái có giá trị kinh tế như dừa và mãng cầu Xiêm, còn vùng đất nhiễm mặn chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Vì vậy kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 24%”.

Để minh chứng cho sự đổi thay trên quê hương Tân Thạnh, ông Hải dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh xã. Những con đường được tráng nhựa rộng rãi, thẳng băng. Những vườn dừa, vườn mãng cầu Xiêm lũng lẳng quả trải dài 2 bên đường xanh ngút mắt. Những dãy quạt tung bọt trắng xóa trên những vuông tôm rộng hàng ngàn mét vuông nối tiếp nhau.

Thỉnh thoảng lại gặp những căn biệt thự đang trong giai đoạn hoàn thành. Trường học, trạm xá đạt chuẩn Quốc gia vừa mới xây dựng xong, trụ sở làm việc khang trang, bề thế. Trước lúc chia tay, ông Hải nói với chúng tôi mà cũng như nói với chính mình: “Ngày xưa có nằm mơ cũng không ai nghĩ rằng, trên vùng đất “5 không” này lại nổi lên nhiều căn biệt thự bề thế như ngày hôm nay”.

ANH ĐẬU

.
.
.