Thứ Bảy, 29/04/2017, 07:01 (GMT+7)
.
Trung tâm văn hóa thể thao (TTVH-TT) xã: Hoạt động chưa hết công năng

Bài 1: Những kết quả bước đầu

Bài 1: Những kết quả bước đầu
Bài 2: Còn nhiều khó khăn, bất cập
Bài cuối: Làm gì để TTVH-TT xã hoạt động hiệu quả?

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang tồn tại một nghịch lý là trong khi số lượng TTVH-TT, NVH tăng lên thì hiệu quả hoạt động lại có phần sút giảm. Việc xây dựng và vận hành các thiết chế văn hóa, các TTVH-TT cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung TTVH-TT xã) mới chỉ đáp ứng được phần nào. Nội dung hoạt động của nhiều TTVH-TT, NVH xã và công tác quản lý, vận hành thiết chế này hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; thể hiện qua tình trạng nhiều TTVH-TT, NVH xã đang tồn tại một cách lay lắt, hoạt động đơn điệu; nhiều công trình chỉ “xây lên để đó” gây lãng phí.

* Nhiều chính sách được ban hành

Những năm qua, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và phát triển hệ thống TTVH-TT xã, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Cụ thể: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 26/2012/NQ-HĐND quy định một số chính sách về xây dựng và phát triển TTVH-TT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 33/KH-UBND ngày 6-4-2011 về Chương trình xây dựng NTM của tỉnh. Theo đó, để được công nhận là xã nông thôn mới (NTM) thì các xã phải xây dựng thành công tiêu chí số 6 (xây dựng NVH, TTVH-TT).

Đặc biệt, ngày 17-10-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2507/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển TTVH-TT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Ngay sau đó, ngày 2-11-2012, Sở VHTT&DL tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Đề án cho lãnh đạo Sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin, TTVH-TT và UBND xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện...

Có thể nói, việc xây dựng và phát triển TTVH-TT cấp xã có vai trò quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần xây dựng thành công xã NTM nên được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện suốt những năm qua và đạt được kết quả đáng phấn khởi.

Nhà văn hóa xã Mỹ Phước Tây (TX.Cai Lậy) góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân địa phương
TTVH-TT xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo) góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân địa phương.

Theo số liệu của Sở VHTTDL Tiền Giang, đến nay trên địa bàn tỉnh có 72 Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, trong đó từ năm 2012 đến 2016 toàn tỉnh đã thành lập được 52 TTVH-TT cấp xã theo Đề án "Xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang".

Tính bình quân mỗi TTVH-TT, NVH xây dựng khoảng 3 tỷ đồng thì nguồn vốn ngân sách cấp huyện đầu tư xây dựng khoảng 216 tỷ đồng và nguồn ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ trang thiết bị hoạt động khoảng 11 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, từ năm 2012-2015, Sở VHTT&DL tỉnh đã hỗ trợ 900 triệu đồng cho 30 TTVH-TT cấp xã tổ chức các hoạt động.

Hằng năm, Sở VHTT-DL đều phối hợp các ngành chức năng của tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, tổ chức thể nghiệm nhiều phương pháp hoạt động, định hướng nội dung, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các TTVH-TT cấp xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ Văn hóa - Thể thao cấp xã đạt trình độ chuyên môn về văn hóa hoặc thể dục thể thao cũng được quan tâm, đến nay có trên 70% đạt trình độ từ trung cấp trở lên (so mục tiêu Đề án là từ 45-50%)

Ngoài ra, nhiều địa phương còn huy động từ nguồn xã hội hóa cho việc mua sắm trang thiết bị, các thiết chế văn hóa như: mua sắm dụng cụ tập luyện, hoặc tài trợ kinh phí tổ chức các giải thi đấu của Đại hội Thể dục Thể thao cấp xã và hỗ trợ các đội tuyển thi đấu giải cấp huyện; có xã huy động đạt hơn 10 triệu đồng. Hiện tại các TTVH-TT cấp xã có 18 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 4 sân bóng chuyền, 8 sân cầu lông, 2 sân quần vợt, 3 hồ bơi, bể bơi, 2 phòng tập thể hình, 11 phòng tập thể dục thẩm mỹ và 3 nhà tập các môn thể thao do tư nhân đầu tư với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Bằng việc cụ thể hóa các chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như nhiều chủ trương đúng đắn của tỉnh được ban hành, cơ sở vật chất văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh ngày càng đầy đủ, đồng bộ, việc nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa thể thao cơ sở ngày càng được tiến hành rộng khắp đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

*Từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân

Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều TTVH-TT cấp xã trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều có tổ chức và phối hợp với các ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa-thể thao phục vụ nhân dân gắn với các ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương; tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn văn nghệ, các giải thể thao phong trào, đã quy tụ được nhiều tầng lớp nhân dân tham dự và phát hiện nhiều hạt nhân văn nghệ, thể thao kế thừa cho phong trào.

Theo đánh giá của Sở VHTTDL thì hoạt động của các TTVH-TT cấp xã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ, sáng tạo các giá trị văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của nhân dân, tạo được môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trên địa bàn, tạo được hiệu quả xã hội tích cực.

TTVH-TT xã Long Hưng, huyện Châu Thành được xây dựng khang trang phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ nhân dân địa phương
TTVH-TT xã Long Hưng (huyện Châu Thành) được xây dựng khang trang phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ nhân dân địa phương.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thế, thành viên CLB Đờn ca tài tử xã Long An (huyện Châu Thành), phấn khởi, nói: “Người dân địa phương nhất là những người đam mê các hoạt động văn hóa văn nghệ rất vui mừng khi xã có được TTVH-TT khang trang với đủ thiết bị máy móc để sinh hoạt. Nhờ vậy các hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên, tạo sân chơi lành mạnh hữu ích, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương”.

Anh Nguyễn Anh Thy, Chủ nhiệm TTVH-TT Phường 1 (TX.Gò Công) cho biết: “TTVH-TT phường 1 được đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị máy móc được đầu tư đầy đủ đáp ứng được nhu cầu tổ chức các loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) của địa phương. Nhờ có TTVH-TT mà nhiều mô hình như Câu lạc bộ đàn ca tài tử, dưỡng sinh, võ thuật, bóng đá… hoạt động có hiệu quả, là điểm đến sinh hoạt vui chơi giải trí của nhân dân địa phương”.

Còn theo TTVH-TT xã Tân Thanh (huyện Cái Bè), từ khi xây dựng TTVH-TT, các phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức thường xuyên và sôi động hơn nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân; công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng thành công xã NTM…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì cũng cần nhìn nhận rằng, không ít TTVH-TT xã đang tồn tại một cách cầm chừng, hoạt động đơn điệu, nghèo nàn; nhiều công trình chỉ “xây lên để đó” đã gây lãng phí, làm dư luận bức xúc.

                                                                                                                                   HOÀI THU (còn tiếp)

.
.
.