Thứ Hai, 03/07/2017, 21:00 (GMT+7)
.

Nỗ lực làm giàu với cây sầu riêng

Không đầu hàng số phận, vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc sống, ông Bùi Xuân Ké, xã Long Tiên (Cai Lậy, Tiền Giang) đã tích cực chuyển đổi cây trồng, gắn bó và hàng năm thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng từ cây sầu riêng.

Ông Ké chống đỡ sầu riêng
Ông Ké chống đỡ sầu riêng.

Ông Ké cho biết, khoảng 20 năm trở về trước, người dân xã Long Tiên chủ yếu trồng lúa là chính. Nhận thấy kinh tế từ lúa hay vườn tạp không cho hiệu quả kinh tế cao, ông cùng với gia đình cải tạo và chuyển đổi các loại cây trồng khác nhau, cuối cùng nhận thấy thổ nhưỡng thích hợp với cây sầu riêng nên gia đình ông Ké đã chọn cây sầu riêng Ri6 và gắn bó cho đến ngày hôm nay. Hiện tại, những cây lớn đã gần 20 năm, số nhỏ cũng bắt đầu cho trái.

Dù mang trong mình thương tật do chiến tranh để lại (thương binh 4/4), nhưng ông vẫn phát huy được phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, tiến công không lùi bước, ông đi khắp nơi để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Ké chia sẻ: “Trồng sầu riêng muốn cho năng suất cao mình phải biết cách chăm sóc, phải tham gia các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo để được nghe chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, khi đã nắm được kỹ thuật thì việc chăm sóc, bảo vệ cây sầu riêng không hề khó”.

Ông Ké cho biết thêm, trồng sầu riêng nên trồng với mật độ vừa phải, không dày, bình quân 1 công đất trồng khoảng 25 cây, trong vườn nên để cỏ, nước tưới thường xuyên và vấn đề quan trọng là chịu khó quan sát để có biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả. Cây sầu riêng có rất nhiều sâu bệnh tấn công, nhất là con rầy phấn, mỗi khi ra cơi đọt non phải xịt thuốc ngừa các loại sâu, rầy cộng với các loại thuốc ngừa thán thư. Đặc biệt, cây sầu riêng có bệnh xì mủ, muốn phòng được bệnh này thì không nên để vườn sầu riêng bị ứ nước, vườn phải thông thoáng. Khi cây đậu trái bón phân có phần tăng đạm để giảm hiện tượng rụng trái non”.

Ông Ké còn chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch, ông Ké nói: “Để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng trái, người trồng cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết. Bón phân phải đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Bón vào khoảng 10 - 15 ngày sau thu hoạch là tốt nhất, trước khi bón phải xới nhẹ trên mặt đất để phân hấp thu vào đất nhanh và hạn chế bị rửa trôi nếu xảy ra mưa lớn kéo dài".

Ngoài việc chăm sóc đúng kĩ thuật cho cây sầu riêng, ông Ké còn lắp đặt hệ thống vòi phun nước tự động để tưới cho 1 héc ta. Vì theo ông Ké, cách làm này vừa tiết kiệm được tiền mướn nhân công, vừa đảm bảo cây được ướt đều với lượng nước vừa đủ.

Sau bao năm miệt mài phấn đấu, ông Ké đã vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, các con được học hành đến nơi đến chốn. Hàng năm sau khi trừ các chi phí, năm nào trúng mùa, được giá gia đình ông thu về khoảng 500 triệu đồng. Nhiều năm liền ông Ké được tuyên dương nông dân, cựu chiến binh sản xuất giỏi cấp tỉnh, gia đình văn hoá tiêu biểu.

Ông Đoàn Văn Thành - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Long Tiên đánh giá cao vai trò của ông Ké, ông Thành nói: “Anh Bùi Xuân Ké là một trong những cựu chiến binh của xã đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả và có những hướng đi đúng đắn. Từ đó, có những định hướng thiết thực giúp nhiều cựu chiến binh, nông dân khác chuyển đổi, đầu tư vào những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.”.

VĂN MINH

.
.
.