Bộ GT-VT trả lời về Trạm thu phí BOT Cai Lậy
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến. Nội dung các kiến nghị của cử tri và trả lời kiến nghị của 2 cơ quan chức năng trên như sau.
* Cử tri kiến nghị: BHXH Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, có chính sách thu hút, khuyến khích người dân, nhất là những người từ 40 tuổi trở lên tham gia BHXH tự nguyện, để sau 20 năm tích lũy, họ có được một khoản tiền và bớt phụ thuộc vào con cái.
BHXH Việt Nam trả lời, như sau: Theo quy định tại Luật BHXH 2014, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã được mở rộng: Công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Chính sách này thu hút, khuyến khích người dân chủ động tham gia BHXH tự nguyện ngay từ khi còn trẻ.
Mặt khác, Luật BHXH 2014 còn cho phép người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng còn thiếu tối đa 10 năm đóng BHXH được đóng 1 lần cho đủ số năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay.
Thêm nữa, kể từ ngày 1-1-2018, Nhà nước thực hiện hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Với những quy định linh hoạt, phù hợp hơn về chính sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, tính đến ngày 31-12-2017, tổng số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 228 ngàn người, tăng 24 ngàn người (tăng 12%) so với năm 2016 và tăng gấp 37 lần so với năm đầu thực hiện BHXH tự nguyện (năm 2008).
BHXH Việt Nam xin tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang nêu trên để tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện.
* Cử tri kiến nghị: Bộ GT-VT cho biết có tiếp tục thu phí BOT tuyến tránh TX. Cai Lậy hay không và phương án giải quyết đối với nhà đầu tư như thế nào?. Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị việc vận hành các dự án BOT trong tương lai nên nghiên cứu các biện pháp tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, lợi ích của dự án trước khi tiến hành thu phí, để tranh thủ sự đồng thuận của người dân, tránh tạo nên bức xúc trong nhân dân.
Bộ GT-VT trả lời, như sau: Dự án xây dựng công trình tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 1987 + 560 ÷ Km 2014 và đoạn tránh TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, công trình dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, đưa vào khai thác và bắt đầu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ từ ngày 1-8-2017.
Tuy nhiên, khi tổ chức thu phí đã có phản ứng của một số người, dẫn đến mất an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí, nên nhà đầu tư tạm dừng từ ngày 14-8-2017. Sau khi dừng hoạt động, Bộ GT-VT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, thống nhất phương án xử lý miễn giảm phí (giảm 30% toàn bộ phương tiện và miễn 50 - 100% cho các phương tiện thuộc 4 xã lân cận); đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức thu trở lại.
Ngày 30-11-2017, trạm thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại, nhưng tiếp tục có diễn biến phức tạp, mất an ninh trật tự. Do vậy, Bộ GT-VT đã báo cáo và tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4-12-2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng để nghiên cứu phương án xử lý.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT đã tổ chức rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai dự án về trình tự, thủ tục; khảo sát lưu lượng giao thông; rà soát, tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư, có cập nhật các kết luận thanh tra, kiểm toán; cập nhật các thông số đầu vào của phương án tài chính; đàm phán sơ bộ với nhà đầu tư về các phương án và tổ chức họp lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.
Kết quả rà soát quá trình triển khai và kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán cho thấy, dự án được triển khai cơ bản đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định pháp luật (chủ trương đầu tư phù hợp với lĩnh vực khuyến khích đầu tư quy định tại Nghị định 108 ngày 27-11-2009 của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và địa phương có ý kiến đồng thuận bằng văn bản; vị trí đặt trạm thu phí đúng quy định pháp luật tại Nghị định 108/2009 của Chính phủ và Thông tư 159 ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính; trạm thu phí Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án, cách trạm An Sương - An Lạc và trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp > 70 km thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ GT-VT; đồng thời, để tăng thêm tính công khai, minh bạch, Bộ GT-VT đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính, UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang.
Tuy nhiên, Bộ GT-VT cũng nhận thấy tồn tại, bất cập là công tác tuyên truyền để người dân hiểu về dự án, về hình thức đầu tư chưa được tốt, chưa phù hợp thực tiễn; các quy định pháp luật liên quan đến hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT cũng còn những bất cập, có quy định pháp luật về thu phí theo lượt không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho tất cả người sử dụng, chưa đánh giá hết các tác động khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến khi tổ chức thu phí tại trạm Cai Lậy đã có những phản ứng của một bộ phận người sử dụng đường.
Trên cơ sở kết quả rà soát, tính toán, Bộ GT-VT đã xây dựng 5 phương án xử lý bất cập, trong đó phương án Nhà nước mua lại dự án là giải pháp xử lý triệt để nhất, các phương án còn lại là tiếp tục tổ chức thu phí hoàn vốn dự án, có thực hiện giảm giá vé chung cho các phương tiện và miễn, giảm giá cho chủ phương tiện khu vực lân cận trạm thu phí Cai Lậy.
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, rất khó để thực hiện việc mua lại dự án, Bộ GT-VT đã báo cáo kiến nghị phương án tiếp tục thu phí hoàn vốn dự án và được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 23-4-2018 (Thông báo 64 của Văn phòng Chính phủ ngày 4-5-2018), giao Bộ GT-VT thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để quyết định phương án tối ưu, lựa chọn thời điểm thu phí trở lại phù hợp.
Do tính chất phức tạp của dự án, việc lựa chọn phương án cần cân nhắc cẩn trọng. Để có cơ sở quyết định phương án tối ưu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 64 của Văn phòng Chính phủ, Bộ GT-VT đã tổ chức họp với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; UBND tỉnh Tiền Giang đã có ý kiến bằng văn bản về phương án thực hiện.
Cùng với ý kiến của các bộ tại cuộc họp ngày 2-8-2018, Bộ GT-VT đang tổng hợp, tính toán, đánh giá tính khả thi để lựa chọn phương án tối ưu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của Bộ GT-VT là sẽ tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trở lại một cách sớm nhất để giảm lãi vay phát sinh, giảm thời gian thu phí dự án và đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, khi triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GT-VT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của dự án để tranh thủ sự đồng thuận của người dân. Đối với dự án, Bộ GT-VT sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người dân, các chủ phương tiện trước khi thu phí sử dụng đường bộ trở lại.
* Cử tri kiến nghị: Bộ GT-VT sớm ban hành các quy định thật chặt chẽ, làm cơ sở để các cơ quan quản lý đảm bảo thực hiện tốt việc tính đúng, tính đủ giá trị đầu tư các công trình BOT, cũng như thời điểm thu hồi vốn và thời gian thu phí hợp lý hơn, nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân sử dụng công trình.
Bộ GT-VT trả lời, như sau: Việc kiểm soát chi phí đầu tư được Bộ GT-VT tổ chức thực hiện theo quy trình 4 bước: (1) Thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi; (2) Thẩm tra, kiểm soát dự toán xây dựng công trình trong bước thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; (3) Cập nhật, khấu trừ theo ý kiến kết luận của thanh tra, kiểm toán; (4) Thỏa thuận quyết toán chi phí vốn đầu tư.
Thời gian hoàn vốn dự án ban đầu được sơ bộ xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án, làm cơ sở để ký hợp đồng dự án và hợp đồng tín dụng. Do vậy, trong tất cả các hợp đồng BOT, Bộ GT-VT và Nhóm công tác liên ngành đã thống nhất với nhà đầu tư quy định: Thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Bộ GT-VT luôn kiểm soát và thực tế dự toán xây dựng công trình cơ bản đều giảm so với tổng mức đầu tư, bởi một số nguyên nhân chủ yếu: (1) Tiến độ dự án được rút ngắn nên giảm bù trượt giá vật liệu và giảm lãi vay trong thời gian xây dựng; (2) Chỉ số giá xây dựng và lãi suất vốn vay trong giai đoạn 2012 - 2015 đều giảm so với thời điểm phê duyệt dự án, nên không sử dụng đến dự phòng trượt giá.
Trong quá trình xem xét thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình, Bộ GT-VT đã kiểm soát chi phí đầu tư đều giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Thời gian thu phí giảm theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là số liệu so sánh giữa giá trị đầu tư thực tế thời điểm kiểm toán với giá trị tổng mức đầu tư ban đầu, trong khi tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là để xác định sơ bộ thời gian hoàn vốn theo quy định của pháp luật về xây dựng và kiểm soát chi phí các bước sau tổng mức đầu tư đã được Bộ GT-VT quy định trong hợp đồng dự án, việc rút ngắn thời gian thu phí so với ban đầu là tất yếu và đã được dự liệu trước phương án điều chỉnh trong hợp đồng BOT.
Thực tế, một số dự án chưa được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, Bộ GT-VT căn cứ vào giá trị dự toán đã đàm phán ký hợp đồng điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí như: Dự án cầu Rạch Miễu trên QL60, tỉnh Bến Tre, được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng…
Bộ GT-VT tiếp thu ý kiến cử tri và đang phối hợp các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí của dự án đầu tư theo hình thức PPP trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.