.

TP Mỹ Tho hướng đến một trung tâm kinh tế năng động

Cập nhật: 15:27, 07/09/2018 (GMT+7)

Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động 22 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 21 của BCH Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, TP. Mỹ Tho đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đang hướng đến trung tâm kinh tế năng động.

Hoạt động tài chính tín dụng trên địa bàn TP. Mỹ Tho ngày càng sôi động. 		Ảnh: P.A
Hoạt động tài chính tín dụng trên địa bàn TP. Mỹ Tho ngày càng sôi động. Ảnh: P.A

Ngày 9-5-2008, Thành ủy Mỹ Tho đã xây dựng Chương trình hành động 28 cụ thể hóa việc thực hiện Chương trình hành động 22 của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 21 của BCH Trung ương Đảng khóa X. Ngay sau đó, UBND TP. Mỹ Tho đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động 28 của BCH Đảng bộ thành phố. Cụ thể, thành phố đã tập trung thực hiện nhiều hoạt động trọng tâm: Thực hiện các thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp (DN) và các tổ chức sản xuất, kinh doanh (SX-KD); thực hiện đồng bộ thể chế về các yếu tố thị trường và phát triển các loại thị trường, gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường…

Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình hành động 22 của BCH Đảng bộ tỉnh, TP. Mỹ Tho đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể, đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát triển được trên 1.810 DN, với tổng vốn đăng ký trên 15.422 tỷ đồng; hiện có 22 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và trên 25 tổ hợp tác, với tổng vốn đăng ký khoảng 100 tỷ đồng. Toàn thành phố còn có 19.123 hộ kinh doanh cá thể, với tổng vốn đăng  ký 1.840 tỷ đồng... Qua đó đã góp phần đa dạng các thành phần kinh tế, loại hình DN và các tổ chức SX-KD trên địa bàn thành phố, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung.

UBND cùng và các ban, ngành của thành phố và UBND các phường, xã cũng đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian, giảm chi phí hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cấp phép xây dựng, đất đai, thủ tục đầu tư, thành lập DN... TP. Mỹ Tho đảm bảo mọi người dân đều tham gia đóng góp và hưởng thụ công bằng các phúc lợi xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Nhằm giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, TP. Mỹ Tho còn quan tâm thực hiện tốt việc cổ phần hóa DN nhà nước, phát huy quyền làm chủ của người lao động tại DN; đổi mới cơ chế quản lý, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của DN có vốn nhà nước sau cổ phần hóa. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã cổ phần hóa được 7 DN gồm: Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Mỹ Tho, Công ty Vật tư nông nghiệp Tiền Giang, Công ty TNHH Cấp nước Tiền Giang, Công ty Vật liệu xây dựng Tiền Giang, Công ty Vật tư y tế Tiền Giang, Công ty cổ phần Dược Tiền Giang và Công ty Du lịch Tiền Giang. Thành phố còn vận dụng đầy đủ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các trang trại, hộ SX-KD, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để các trang trại và hộ SX-KD góp vốn phát triển theo hình thức hợp tác xã, công ty cổ phần hoặc trở thành DN tư nhân và các loại hình kinh doanh thích hợp khác.

Bên cạnh đó, TP. Mỹ Tho còn phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện tốt các chính sách của nhà nước về giá, cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh; tăng cường công tác giám sát, xúc tiến thương mại, đầu tư; huy động các nguồn lực, phát triển đồng bộ các loại thị trường trên địa bàn thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, chú trọng thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 14 chợ, 4 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 1 Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, 2 kho xăng dầu và trên 80 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Song song đó, thành phố đã thu hút đầu tư phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ: Ngân hàng, viễn thông, vận tải, bảo hiểm, du lịch, giáo dục, y tế, bất động sản... phù hợp với nhu cầu của DN và người dân. Theo đó, toàn thành phố hiện có 7 công ty bảo hiểm, 7 DN viễn thông, 21 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng thương mại, 9 tuyến xe buýt và 3 công ty kinh doanh dịch vụ taxi hoạt động trên địa bàn.

TP. Mỹ Tho cũng chú trọng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư SX-KD, giải quyết lao động ở các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An, Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh đã thu hút được 60 dự án, gồm: 12 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 306 triệu USD và 48 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 4.068 tỷ đồng, với các ngành nghề: Chế biến thủy, hải sản xuất khẩu; chế biến thức ăn gia súc; sản xuất bao bì; chế biến nông sản; sản xuất cấu kiện bê tông; đóng - sửa các phương tiện thủy; may mặc; nước uống có gas; dệt len... góp phần tạo công ăn việc làm cho trên 23.600 lao động...

THANH TÙNG

.
.
.