Chuyện vượt khó khởi nghiệp của hai người phụ nữ
Hưởng ứng phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ cần cù, chịu khó vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế.
Trong đó, chị Trần Loan Chị (xã Long Định, huyện Châu Thành) và chị Trần Thị Hồng (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) là 2 trong số các điển hình như vậy.
Chị Loan Chị kiểm tra lại các sản phẩm để kịp giao hàng. |
KHỞI NGHIỆP TỪ DỆT CHIẾU THUÊ
Chị Trần Loan Chị (sinh năm 1987) sinh ra trong gia đình nghèo khó, phải nghỉ học (từ lớp 5) để đi dệt chiếu thuê phụ giúp gia đình từ rất sớm. Năm 19 tuổi, chị Loan Chị theo chồng về xã Nhị Bình (huyện Châu Thành), do không có nghề nghiệp ổn định nên chị tiếp tục dệt chiếu thuê, còn chồng thì làm thợ hồ.
Chị Loan Chị kể: “Lúc mới lập gia đình, vợ chồng tôi chỉ có căn nhà lá nhỏ dựng tạm trên phần đất được cha mẹ cho. Cuộc sống càng vất vả hơn khi 2 con lần lượt ra đời. Để có tiền nuôi các con, vợ chồng tôi phải cố gắng làm việc, tiết kiệm trong chi tiêu; mua heo, vịt về nuôi để có thêm thu nhập cho gia đình. Còn ban đêm thì tôi tranh thủ dệt thêm chiếu”.
"Mình không thể thoát nghèo bằng con đường học thức thì phải quyết tâm thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình" Chị TRẦN LOAN CHỊ |
Đưa vạt áo lau vội những giọt mồ hôi trên trán, chị Loan Chị kể tiếp, năm 2012, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, chị mua thêm lát để dệt được nhiều chiếu hơn, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Nguồn vốn vay tăng dần qua từng năm đã giúp chị có điều kiện đầu tư máy móc vào dệt chiếu. Cụ thể, năm vừa rồi chị đã vay 15 triệu đồng để mua máy dệt chiếu. Từ đó, sản lượng chiếu làm ra tăng gấp nhiều lần so với dệt thủ công.
“Lúc trước, tôi dệt từ 2 - 3 chiếc chiếu/ngày, thu nhập chưa đến 100 ngàn đồng; giờ dệt được khoảng 10 chiếc chiếu/ngày, thu nhập gần 500 ngàn đồng” - chị Loan Chị cho biết.
Lao động cần cù và chi tiêu tiết kiệm, chị Loan Chị đã vừa trả dần nguồn vốn vay, vừa tích lũy vốn mua thêm máy dệt chiếu, với mong muốn tạo việc làm cho chị em trong vùng. Hiện tại, chị Loan Chị đã tạo việc làm cho hơn 10 chị em trong xóm, ấp (có người nhận lát về nhà dệt, có người đến nhà chị để dệt).
Dù đã có cuộc sống ổn định, với mức thu nhập khá, nhưng chị Loan Chị vẫn không ngừng lao động. Hằng ngày, công việc của chị thường bắt đầu vào lúc 4 giờ 30 phút và kết thúc hơn 22 giờ.
“Tuy vẫn còn vất vả, nhưng cuộc sống của tôi giờ đây không còn thiếu thốn như trước. Dù vậy, tôi vẫn mong mình có thêm vốn để mua thêm máy dệt, nguyên liệu dệt chiếu để tạo việc làm cho nhiều chị em hơn nữa” - chị Loan Chị bày tỏ.
LẬP NGHIỆP TỪ 2 BÀN TAY TRẮNG
Cũng như chị Loan Chị, xuất thân từ gia đình nghèo khó, chị Trần Thị Hồng luôn chăm chỉ, cần cù lao động, dám nghĩ dám làm và biết nắm bắt thời cơ. Nhờ vậy, từ 2 bàn tay trắng chị đã xây dựng được cơ ngơi vững chắc, với mô hình trồng dừa Xiêm, nuôi heo rừng và kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm.
Chị Hồng kể, khoảng năm 1991 vợ chồng chị ra riêng, gia đình 2 bên đều khó khăn nên chỉ cho được nền nhà. Vợ chồng chị cất nhà tạm trên nền đất ấy để “che nắng che mưa”. Lúc này, chị Hồng bắt đầu tập tành buôn bán tạp hóa, thức ăn sáng.
Làm được một thời gian, với số tiền tích lũy được và mượn thêm từ chị em, chị Hồng bắt đầu mua 2 công đất để trồng lúa. Không lâu sau, chị tiếp tục mua thêm 3 công đất để mở rộng diện tích trồng lúa. Tuy nhiên, sau đó chị nhận thấy trồng lúa khá vất vả nhưng giá lúa không ổn định, chi phí sản xuất lại cao.
Qua nghiên cứu về thổ nhưỡng và giống cây trồng ở địa phương, chị Hồng quyết định chuyển trên 5.000 m2 sang trồng dừa Xiêm, bởi cây trồng này có sức sống mạnh, ít công chăm sóc, tuổi thọ cao, cho thu nhập hằng tháng.
Chị Hồng là tấm gương vượt khó làm giàu tiêu biểu, xứng đáng để chị em noi theo. |
Bên cạnh đó, chị Hồng còn tận dụng đất vườn xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo rừng để tăng thêm thu nhập. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… nên vườn dừa và đàn heo rừng của chị luôn cho năng suất cao. Ngoài việc trồng trọt và chăn nuôi, chị còn kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm.
Theo đó, với mô hình chăn nuôi heo rừng, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, mỗi năm chị Hồng thu lãi trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn có nguồn thu nhập từ trồng dừa Xiêm cũng trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Chia sẻ về công việc kinh doanh của mình, chị Hồng cho biết: “Việc mua bán thức ăn gia súc, gia cầm lúc đầu gặp không ít khó khăn, sau đó dần mới đi vào ổn định. Từ đó, tôi mới có điều kiện mở rộng mặt hàng kinh doanh”. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, chị còn tích cực tham gia công tác xã hội.
Cụ thể, năm 1996 chị Hồng được người dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 13 và năm 2016 chị được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bình Phong. Dù với vai trò nào chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được UBND và Hội Nông dân xã Tân Mỹ Chánh đánh giá cao.
Có thể nói, chị Loan Chị và chị Hồng là những tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả đạt được hôm nay của 2 chị rất đáng trân trọng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em học tập và noi theo.
HOÀI THU - PHƯƠNG MAI