.

Tiền Giang giảm nghèo "chậm" mà "chắc"

Cập nhật: 21:55, 12/09/2018 (GMT+7)

Những năm qua, Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Mặc dù so với một số tỉnh, thành khác trong cả nước, công tác giảm nghèo của tỉnh còn chậm nhưng đảm bảo tính bền vững.

Nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nhiều người dân thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nhiều người dân thoát nghèo, cải thiện đời sống.

NỖ LỰC GIẢM NGHÈO

Tiền Giang luôn xác định công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các cấp ủy, chính quyền địa phương và của cả hệ thống chính trị các cấp. Do đó, nhiều chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai thực hiện.

Trong đó, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ để kéo giảm “khoảng cách” giữa huyện nghèo Tân Phú Đông, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo với các địa phương khác của tỉnh.

Theo đó, Dự án Chương trình 30a đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 84 công trình giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Tân Phú Đông và 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông nông thôn xuống cấp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã bãi ngang trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống kinh tế -xã hội vùng ven biển. Các công trình được đầu tư góp phần tạo nên những thay đổi ở các xã bãi ngang, giúp cho bộ mặt nông thôn ven biển khởi sắc.

Trong 2 năm 2016 - 2017, ngân sách Trung ương bố trí trên 10 tỷ đồng hỗ trợ các xã ven biển phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Các địa phương đã xây dựng 38 mô hình chăn nuôi dê và bò sinh sản, với 869 hộ nghèo tham gia.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 900 triệu đồng để đưa lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, chương trình hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đã tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn các xã.

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai thực hiện các Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát đánh giá thực hiện chương trình, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

Theo đó, qua 3 năm tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách giúp đỡ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi… đã tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Toàn tỉnh có trên 67 ngàn lượt người vay vốn từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và hộ cận nghèo để phát triển sản xuất. Đồng thời, có hơn 8.300 lao động nghèo và lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn, trong đó có trên 1.800 lao động thuộc hộ nghèo.

Đối với chính sách về giáo dục và đào tạo, toàn tỉnh có trên 20.000 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. 100% sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn được cho vay.

Ngoài ra, tỉnh còn cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền nhà ở, với 1.820 hộ nghèo được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

HƯỚNG TỚI YẾU TỐ BỀN VỮNG

Theo đánh giá của Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi, dù tỷ lệ giảm hộ nghèo ở Tiền Giang hơi chậm so với một số tỉnh, thành khác, nhưng đảm bảo giảm nghèo bền vững. Trong tổng số các đối tượng hộ nghèo, tỉnh đã phân loại và có những giải pháp rất cụ thể để thực hiện công tác giảm nghèo.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, công tác giảm nghèo bền vững ở tỉnh so với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung nằm ở mức trung bình. Tỉnh đã có nhiều giải pháp để thực hiện việc giảm nghèo bền vững.

Mỗi năm tỉnh đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 1%. Tuy nhiên, càng về sau, việc kéo giảm số lượng hộ nghèo rất khó. Do đó, những năm qua, trung bình số lượng hộ nghèo ở tỉnh chỉ giảm được khoảng 0,7%/năm. Sắp tới, tỉnh sẽ sớm hoàn thành Đề án về giảm nghèo cho huyện Tân Phú Đông để gửi về Trung ương thẩm định. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống người dân...

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh trong các năm tiếp theo là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,87% năm 2016 xuống còn 3% vào năm 2020; dưới 2% vào năm 2030 và tiến tới ổn định tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu. Tỉnh phấn đấu bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,6% - 0,9%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân 4%/năm.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường khai thác, huy động các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Đặc biệt là ưu tiên cho các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia, để hỗ trợ công tác giảm nghèo tại Tiền Giang, ngân hàng cam kết đồng hành, hỗ trợ tỉnh bố trí nguồn vốn. Riêng về phía tỉnh cần rà soát các đối tượng, nhu cầu vay để ngân hàng bố trí nguồn lực.

M. THÀNH

.
.
.