Tiếp xúc để "lắng nghe" sự hài lòng của người dân
(ABO) Gần dân, gắn bó, gần gũi với cuộc sống của người dân là cách tiếp cận tuy không phải mới nhưng thật sự đã và đang mang lại nhiều ý nghĩa trong công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương.
Các chủ trương, chính sách, nhất là đối với phát triển kinh tế hay an sinh xã hội nếu được bám sát, gắn chặt với đời sống hằng ngày của người dân thì sẽ được người dân đồng thuận và mang lại hiệu quả rất cao. Đặc biệt, đối với các chủ trương phát triển kinh tế, khi người dân được hướng dẫn, tập huấn, trang bị kiến thức, am hiểu thì người dân sẽ đồng thuận và tạo được sự kết nối trong cộng đồng dân cư.
Chẳng hạn như mô hình liên kết sản xuất theo hướng an toàn trong sản xuất nông nghiệp (VietGAP). Đây là mô hình sản xuất mang tính hiện đại, nếu được người dân đồng thuận sẽ giúp cho ngành Nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giữa loại hình kinh tế hợp tác với các doanh nghiệp và bước đầu mang lại hiệu quả. Một trong những liên kết sản xuất được đánh giá mang lại hiệu quả là giữa Cơ sở Hương Miền Tây (có trụ sở tại xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) và Tổ hợp tác Bưởi da xanh (ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho).
Ông Đỗ Văn Xinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi da xanh cho biết, nhờ được tuyên truyền vận động áp dụng mô hình sản xuất VietGAP, người dân trên địa bàn đã hiểu và tham gia thực hiện. Từ đó, diện tích bưởi được sản xuất theo mô hình VietGAP trong tổ hợp tác ngày càng tăng.
Chưa kể, nhờ kết quả thực hiện liên kết thu mua bưởi vừa qua, người dân trồng bưởi trong khu vực và vùng lân cận yên tâm về đầu ra. Đây cũng được xem là điểm khởi đầu trong việc thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp nói chung và của trái bưởi nói riêng.
Quyết tâm cải thiện Chỉ số PAPI Đó là một trong những nội dung quan trọng được UBND tỉnh đề ra trong thời gian tới. Đặc biệt, trong tháng 8-2018, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo Nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh Tiền Giang. Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá nhiều nội dung quan trọng như: Xu thế biến đổi qua thời gian (giai đoạn 2011 - 2017) theo lĩnh vực, nội dung của Tiền Giang; bước tiến và bước lùi trong hiệu quả huy động sự tham gia của người dân cấp cơ sở; bước tiến và bước lùi trong việc thực hiện công khai, minh bạch ở địa phương, trong thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân, trong kiểm soát tham nhũng… Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành có liên quan thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAX INDEX), Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, các cấp, đặc biệt là UBND các xã, phường, thị trấn cần chủ động nghiên cứu các nội dung thành phần trong Chỉ số PAPI để có giải pháp can thiệp cụ thể, phù hợp nhằm góp phần nâng cao chỉ số này… |
Nhìn một cách tổng quát, mô hình sản xuất của Tổ hợp tác Bưởi da xanh ấp Bình Thành cũng chỉ thể hiện một phần sự đồng thuận của người dân về chủ trương liên kết sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn xã Tân Mỹ Chánh.
Chưa dừng lại ở đó, công tác công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách trên địa bàn xã còn để lại những dấu ấn riêng. Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh Đào Ngọc Thi cho biết, về cải cách thủ tục hành chính cũng như công khai chủ trương, chính sách có liên quan, trong thời gian qua, chính quyền địa phương tổ chức niêm yết tại trụ sở ấp cũng như trụ sở UBND xã Tân Mỹ Chánh để nhân dân hiểu và thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp với Ủy ban MTTQ xã tổ chức lấy phiếu về sự hài lòng của nhân dân đối với việc cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là về công tác bình xét gia đình văn hóa, xây dựng cơ bản cũng như xây dựng giao thông nông thôn hay công tác tuyển quân...
“Trong thời gian tới, xã Tân Mỹ Chánh được tỉnh cũng như TP. Mỹ Tho chọn tổ chức hội nghị để lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến của người dân về công tác lãnh đạo, điều hành.
Do đó, chính quyền địa phương mong muốn người dân đóng góp về công tác cải cách thủ tục hành chính, về tác phong, lề lối làm việc đối với cán bộ, công chức; qua đó, giúp chính quyền địa phương gần gũi với người dân hơn” - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh Đào Ngọc Thi cho biết.
Trên bình diện tổng thể, Tân Mỹ Chánh là một trong những xã đầu tiên được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Nhìn ở khía cạnh khác, Tân Mỹ Chánh còn có nhiều điểm “nổi trội” hơn các xã khác trong phương thức lãnh đạo, điều hành. Đó cũng là một trong những lý do Tân Mỹ Chánh được UBND tỉnh chọn tổ chức thí điểm việc gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh để lắng nghe ý kiến của người dân trên địa bàn.
Với khoảng 160 khách mời là người dân cùng với lãnh đạo các huyện, thành, thị, cuộc gặp này không giống như các đợt tiếp xúc cử tri, mà nội dung chủ yếu là lãnh đạo tỉnh muốn lắng nghe “sự hài lòng” của người dân đối với phương thức lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo xã Tân Mỹ Chánh về các vấn đề như: Việc đóng góp ý kiến và kinh phí trong xây dựng công trình công cộng; sự công khai, minh bạch của chính quyền địa phương cơ sở về danh sách hộ nghèo; thu, chi ngân sách cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất tại địa phương; ý kiến của người dân về mức độ và hiệu quả khi tiếp xúc với chính quyền để yêu cầu giải quyết các khúc mắc hay khiếu nại, tố cáo; ý kiến về thủ tục hành chính công tại địa phương hay mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ y tế và giáo dục tiểu học công lập…
Qua đó, góp phần giúp lãnh đạo xã Tân Mỹ Chánh điều chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong lãnh đạo, điều hành. Đồng thời, qua buổi gặp gỡ, lãnh đạo tỉnh cũng muốn rút kinh nghiệm cho các địa phương khác không chỉ trong lãnh đạo, điều hành, mà còn cho những lần gặp gỡ với người dân ở những lần sau.
NHÓM PVKT