.

Chuyện về 2 phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu

Cập nhật: 21:27, 05/12/2018 (GMT+7)

Ngày nay, không chỉ có nam giới là trụ cột trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, mà phụ nữ cũng ngày càng năng động, bản lĩnh và tự tin khởi nghiệp. Dù bước đầu khởi nghiệp có nhiều khó khăn nhưng nhiều hội viên, phụ nữ (HVPN) vẫn thành công.

* CHỊ LÊ THỊ TRINH, Chủ nhiệm Tổ hợp tác (THT) đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng (huyện Cái Bè):

Tạo việc làm cho gần 800 chị em phụ nữ

Trước năm 2000, chị Lê Thị Trinh là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Tân Hưng. Chị Trinh cho biết, vào thời điểm này, khi nghề đan lục bình xuất khẩu phát triển, lãnh đạo xã Tân Hưng khuyên chị em Hội LHPN xã nên học nghề đan này để truyền dạy và tạo việc làm cho HVPN xã.

Thế là chị Trinh xung phong đi học. Ban ngày, chị sang tỉnh Vĩnh Long học đan lục bình và tối đến thì lại “truyền nghề” cho 7 chị em khác trong Hội LHPN xã. Nếu học nghề đã khó thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại càng khó hơn.

Do đó, khi biết được ở tỉnh Bình Dương có công ty thu mua, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có các sản phẩm được đan từ lục bình, chị liền lên Bình Dương, đi đến tất cả các công ty để chào hàng.

Chị Lê Thị Trinh (bìa trái)
Chị Lê Thị Trinh (bìa trái)

Khi tìm được đầu ra và nghề đan lục bình ngày càng thu hút HVPN tham gia, chị Trinh đã mạnh dạn thành lập THT; đồng thời, chị cũng đảm nhận vai trò là Chủ nhiệm THT từ năm 2002 đến nay.

Qua hơn 16 năm thành lập, hoạt động THT hiện đã không còn “bó hẹp” trong phạm vi của xã Tân Hưng, mà đã mở rộng ra các xã trên địa bàn huyện Cái Bè, với 11 điểm đan lục bình. THT đang tạo việc làm cho gần 800 HVPN trong và ngoài xã, với thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Trinh cho biết, các sản phẩm của THT hiện nay rất đa dạng, chủ yếu xuất đi các nước châu Âu. Sản lượng của THT đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời điểm mới thành lập.

Chị Trinh không chỉ khởi nghiệp thành công, làm giàu cho bản thân, mà còn giúp nhiều phụ nữ khác có việc làm, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

*CHỊ ĐỒNG THỊ THU HOÀI, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại - Dịch vụ Trường Phát (huyện Gò Công Tây):

Khởi nghiệp với trồng nấm bào ngư

Quê ở tỉnh Bắc Giang, chị Hoài theo chồng về làm dâu ở tỉnh Tiền Giang khi mới vừa 23 tuổi. Khi đó, không nghề nghiệp, chị Hoài ở nhà chăm sóc gia đình và phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2008, trong 1  lần tình cờ xem báo, chị Hoài biết được ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) có mô hình trồng nấm bào ngư cho kinh tế cao.

Chị Hoài quyết định đến Củ Chi học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu khởi nghiệp với việc trồng nấm bào ngư. Quá trình khởi nghiệp của chị Hoài cũng gặp không ít gian nan, với nhiều lần trồng nấm thất bại. Không nản chí, chị Hoài vừa trồng nấm vừa rút kinh nghiệm và thành công cũng đã mỉm cười với chị, khi Câu lạc bộ trồng nấm bào ngư đã được ra mắt vào năm 2015.

Sau đó, chị Hoài tiếp tục thành lập HTX Nông nghiệp Thương mại - Dịch vụ Trường Phát chuyên nuôi trồng, sản xuất, thu mua, cung cấp phôi nấm bào ngư do chính chị làm Giám đốc.

Chị Hoài cho biết, lúc mới bắt tay vào trồng nấm bào ngư, chị chỉ có 2 trại nấm khoảng 200 m2. Tích góp dần, đến nay, số trại nấm của chị đã tăng lên 10 trại. Chị bố trí trung bình khoảng 10.000 phôi nấm/ trại.

Bên cạnh đó, chị còn tận dụng phế phẩm của nấm bào ngư để trồng nấm rơm và rau mầm, bước đầu cho kết quả hết sức khả quan. Hiện tại, chị Hoài đang đầu tư xây dựng quy trình tự sản xuất phôi nấm bào ngư, với chi phí trên 700 triệu đồng.

“Phôi nấm bào ngư mà HTX đang sử dụng phải mua từ tỉnh Đồng Nai, giá khoảng 4.500 đồng/phôi. Do đó, việc sản xuất phôi nấm tại chỗ để phục vụ cho việc trồng và cung cấp cho thị trường sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cũng như tăng thêm nguồn lợi nhuận. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa, quy trình sản xuất phôi nấm bào ngư sẽ đưa vào vận hành, với sản lượng mỗi ngày có thể hấp khoảng 6.000
phôi nấm” - chị Hoài cho biết.

Điều đáng trân trọng là chị Hoài luôn sẵn sàng hướng dẫn trồng nấm bào ngư, rau mầm cũng như tìm đầu ra sản phẩm cho chị em.

P. MAI

.
.
.