Hạn, mặn "đe dọa" cây trồng chủ lực ở huyện Tân Phú Đông
Vùng trồng sả, mãng cầu Xiêm ở huyện Tân Phú Đông đang bị hạn, mặn “đe dọa”, nhiều diện tích bị thiếu nước tưới.
Về huyện Tân Phú Đông vào những ngày giữa tháng 4, chúng tôi cảm nhận được cái nắng như thiêu đốt ở nơi đây. Dọc theo đường tỉnh 877B hướng về xã Phú Tân, mực nước ở các kinh, rạch nội đồng đang dần cạn kiệt. Đến đường Giồng Keo 1 (xã Phú Thạnh), chúng tôi đi một đoạn khá dài, dọc 2 bên tuyến đường hầu hết các ruộng sả đã không còn nước tưới. Họa may, những ruộng còn nước tưới là do gần mương nước sâu.
Anh Nguyễn Minh Hiệp (ấp Giồng Keo 2, xã Phú Thạnh) cho biết, khoảng 1 ha trồng sả của gia đình đã không còn nước tưới từ hơn 2 tháng nay. So với mùa hạn, mặn năm 2018, năm nay tình trạng thiếu nước tưới xảy ra sớm hơn khoảng 1 tháng. Do không có nước tưới, nên ruộng sả nhà anh Hiệp đành “chịu trận”, phó mặc cho trời, một số bị cháy khô.
“Sả trồng được 1 tháng thì không có nước tưới, đến nay cũng 3 tháng rồi nên không thu hoạch được gì. Con kinh cung cấp nước đã cạn từ lâu, nên nhiều ruộng sả ở đây cũng thiếu nước tưới. Bây giờ, chúng tôi chỉ chờ trời mưa mới có thể cứu sả” - anh Hiệp bày tỏ.
Ruộng sả của anh Hiệp hiện không có nước tưới. |
Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh Lê Trần Ngọc Lâm cho biết, hiện nước sản xuất ở xã vẫn còn để người dân tưới sả, mãng cầu Xiêm, nhưng chất lượng nước không đảm bảo. Nước bị phèn nặng nên cần phải xử lý mới có thể tưới cho cây trồng. Chất lượng nước không đảm bảo nên việc tưới cho cây trồng chỉ đảm bảo duy trì sự sống chứ khó phát triển.
Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước máy trên địa bàn huyện Tân Phú Đông khoảng 76%, tương đương khoảng 9.000 hộ, còn khoảng 3.000 hộ chưa có nước máy sử dụng. Mùa khô năm 2019, để đảm bảo nước sinh hoạt cho những hộ dân chưa có nước máy sử dụng, huyện Tân Phú Đông đã khảo sát và mở 6 vòi nước công cộng phục vụ người dân ở những điểm còn khó khăn về nước sinh hoạt. |
Còn tại xã Phú Đông, nơi đây có vùng trồng sả lớn của huyện Tân Phú Đông. Hiện nhiều hộ dân ở xa các tuyến kinh, rạch đang thiếu nước sản xuất.
Ông Lê Thành Tâm (ấp Bà Tiên 1) bày tỏ, hiện 1 công sả của ông đã không còn nước tưới. Để sả không bị chết khô, ông phải dùng nước máy để tưới cầm chừng. Tương tự, 5 công sả của gia đình ông Phạm Văn Cọp (ấp Lý Quàn 1) cũng không có nước tưới. “Hệ thống kinh, rạch hạn chế nên lượng nước tích trữ ít dẫn đến thiếu nước sản xuất trong mùa khô. Tôi mong Nhà nước đầu tư thêm kinh, rạch để chứa nước phục vụ sản xuất” - ông Cọp kiến nghị.
Đối với vùng trồng sả là vậy, vùng trồng mãng cầu Xiêm của huyện Tân Phú Đông cũng đang bị “đe dọa” do hạn, mặn. Bởi hiện tại, mặn đã xâm nhập sâu vào các cửa sông nên các cống trên địa bàn huyện không thể lấy nước. Để có nước tưới cho vườn mãng cầu Xiêm, người dân đã chủ động tích trữ nước trong các mương, ao. Song, hiện mực nước ở các kinh, rạch nội đồng đang xuống rất nhanh, gây thiếu nước cho vùng trồng mãng cầu Xiêm.
Đánh giá về tình hình nước sản xuất trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, hiện mặn xâm nhập sâu nên huyện không thể lấy nước vào để phục vụ sản xuất. Đối với vùng trồng mãng cầu Xiêm, do người dân chủ động tích trữ nước từ trước nên vẫn còn nước tưới. Song, nếu tình hình nắng nóng kéo dài thì có thể xảy ra thiếu nước tưới. Đối với vùng trồng sả, những hộ ở gần kinh còn nước tưới, những hộ ở xa kinh thì đành chịu.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, vừa qua địa phương và Sở NN&PTNT đã khảo sát và đề xuất đặt trạm bơm để bơm bổ cấp nước sản xuất cho huyện. Phương án này đang được tính toán.
Trước phản ánh của người dân về tình hình thiếu nước sản xuất, nhiều diện tích cây trồng không có nước tưới trong mùa khô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa yêu cầu Sở NN&PTNT hết sức quan tâm đối với phương án đặt trạm bơm bổ cấp nước phục vụ sản xuất cho huyện Tân Phú Đông, để đảm bảo nước sản xuất cho người dân trong mùa khô năm nay.
M. THÀNH