Làm gì để karaoke di động thực sự là văn hóa giải trí đúng nghĩa?
(ABO) Karaoke di động, “loa kẹo kéo” khi xuất hiện đã được một bộ phận không nhỏ người dân có “máu văn nghệ” lựa chọn như một hình thức giải trí khi có tiệc rượu cho vui. Nhưng dần dần, hình thức giải trí này đã bị lạm dụng khi được tổ chức hát tràn lan theo kiểu “vui cũng hát mà buồn cũng hát” với âm lượng “khủng” hành hạ những người xung quanh (kể cả vào giờ nghỉ trưa và ban đêm). Nghiêm trọng hơn, từ những mâu thuẫn phát sinh trong lúc hát đã xảy ra những vụ cãi vã, ẩu đả, thậm chí dẫn đến chết người.
Điển hình như vụ án mạng xảy ra vào ngày 23-5-2017 tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo làm một người chết vì bị chê hát dở tại tiệc cưới. Đối tượng Nguyễn Ngọc Điệp (44 tuổi, xã Tân Thuận Bình) bị chê hát dở nên dùng dao đâm người chê mình và đâm luôn người can ngăn là anh L.H.A (27 tuổi, ngụ xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo) gây tử vong.
Một vụ khác xảy ra vào ngày 22-1-2018 do cự cãi, đánh nhau giữa người tổ chức hát karaoke và người hàng xóm làm một người chết xảy ra ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông. Nạn nhân là ông L.V.T (38 tuổi, ngụ xã Tân Đông) bị đối tượng Nguyễn Văn Trổi (42 tuổi, hàng xóm) đánh trả, dẫn đến tử vong sau khi ông T đập bể màn hình hát karaoke của Trổi.
Gần đây, vào ngày 26-3-2019, do cự cãi trong lúc hát karaoke sau khi nhậu, ông L.V.K (55 tuổi, ngụ cùng xã) đã bị đánh dẫn đến tử vong. Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, thực tế còn xảy ra nhiều vụ cự cãi, ẩu đả vì mâu thuẫn khi hát karaoke (giành micro, chê hát dở), vì tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày…
Hát karaoke tại một hộ gia đình. |
Được biết, toàn tỉnh hiện có trên 1.933 hộ kinh doanh cho thuê dàn âm thanh. Để chấn chỉnh hoạt động này, thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, gây mất trật tự tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Kết quả từ tháng 10-2016 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra 964 cuộc, phát hiện vi phạm và nhắc nhở 662 trường hợp vi phạm về tiếng ồn, lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ sang Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý 140 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 360 triệu đồng. Với cách làm quyết liệt trên, tình hình vi phạm đã "lắng dịu" dần...
Theo đánh giá của ngành chức năng, tình trạng karaoke di động gây tiếng ồn đã được giảm đáng kể nhưng trên thực tế tình trạng vi phạm tiếng ồn của hoạt động này vẫn còn xảy ra. Điều này đã được không ít người dân bức xúc, phản ánh qua những buổi tiếp xúc của lãnh đạo tỉnh và sở, ngành về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (còn gọi là PAPI).
Pháp luật hiện hành có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép theo nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, để chấn chỉnh và hướng hát karaoke di động trở thành một hoạt động giải trí văn hóa đúng nghĩa, cơ quan chức năng cần giải quyết ngay từ cái gốc của vấn đề, nghĩa là làm cho người dân có ý thức trong việc tổ chức và hát karaoke đúng nghĩa.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến cho người dân về những quy định pháp luật liên quan tiếng ồn như quá mức cho phép sẽ bị xử phạt, quá 22 giờ đêm sẽ bị xử phạt nhiều lỗi liên quan. Đặc biệt là vận động người dân hiểu được việc hát karaoke cần được tổ chức văn minh hơn, tránh ồn ào quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người khác. Trước mắt, nên tổ chức thí điểm ở những xã, phường đã đạt chuẩn nông thôn mới nhằm xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
NGUYỄN HỮU