Những câu chuyện ân tình về anh hùng liệt sĩ Võ Thị Lớ
Chúng tôi về xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An vào những ngày cuối tháng 6 âm lịch. Cánh đồng thanh long nơi đây đang vào mùa thu hoạch.
Trong câu chuyện được mùa, được giá rôm rả, mọi người vẫn không quên nhắc nhau nhanh tay lao động để còn kịp đến nhà ông Trần Văn Bé Hai dự lễ giỗ nữ Anh hùng liệt sĩ (AHLS) Võ Thị Lớ.
Họ đến để thắp hương tưởng nhớ người đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập. Họ đến để kể cho nhau nghe những câu chuyện ân tình về nữ anh hùng này mà hầu như năm nào họ cũng được nghe…; qua đó giúp bản thân và con cháu mình có trách nhiệm hơn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Hiệp Thạnh không phải là quê hương của nữ AHLS Võ Thị Lớ, cũng không phải là nơi chị chiến đấu và hy sinh, mà nơi đó chị được đón về khi miền Nam được giải phóng.
Người đón chị về là ông Trần Thanh Tâm, nguyên Trưởng Ban An ninh TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Sau ngày ông mất, vợ ông thay ông giỗ chị.
Khi bà mất, con trai đầu của ông bà là ông Trần Văn Bé Hai tiếp tục thờ cúng và tổ chức lễ giỗ chị vào ngày 21-6 âm lịch hằng năm.
Ông Bé Hai xúc động: “Tui đã dặn con cháu, khi tui mất, chúng nó phải tiếp tục thờ và giỗ chị hằng năm, bởi chị hy sinh khi còn quá trẻ. Chị là ân nhân, là người bảo vệ an toàn cho ba tui trong chiến tranh. Các con cháu trong gia đình tui ai cũng ủng hộ ba tui khi ông đón chị về đây, nên tui tin sau này chúng nó cũng lo tươm tất như tui bây giờ. Chiến trường Gò Công ngày ấy ác liệt lắm. Chiến thắng, ba tui trở về, còn chị thì mãi mãi ở lại!”.
Người con gái ấy - nữ chiến sĩ An ninh, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Võ Thị Lớ đã anh dũng hy sinh vào lúc 11 giờ ngày 5-8-1969 trên chiến trường Đồng Sơn Xép - vùng đất thuộc ấp Ninh Đồng (ngày trước gọi là Đồng Sơn Xép hay Đồng Ninh B; nay thuộc xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).
Trước giải phóng, đó là nơi đóng quân của nhiều cơ sở cách mạng: Hậu cần, quân y, trạm giao liên của Tỉnh ủy Gò Công. Nơi đây còn có căn cứ Ban An ninh TX. Gò Công, Chi bộ, Xã đội Đồng Sơn và là nơi trú chân của nhiều cán bộ các xã lân cận. Đó là nơi ghi đậm chiến công của đồng chí Võ Thị Lớ, đã kiên trung, anh dũng đối đầu với những trận đòn tra khảo dã man, ghê rợn của kẻ thù và đã anh dũng hy sinh trong một trận truy kích của giặc Mỹ để bảo vệ an toàn khu căn cứ, bảo vệ lãnh đạo.
Ngày 5-8-1969, địch huy động lực lượng lớn, có tàu chiến yểm trợ, càn quét Đồng Sơn Xép. Trong trận chiến không cân sức này, chị đã bị địch bắt. Chúng bắn 2 người đồng đội của chị để uy hiếp tinh thần chị. Uy hiếp không được, chúng chuyển sang dụ dỗ. Dụ dỗ không được, chúng tra tấn dã man, cho đến phút cuối chị vẫn kiên cường giữ vững khí tiết của người chiến sĩ An ninh. Chị đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi thanh xuân phơi phới!
AHLS Võ Thị Lớ sinh năm 1949, quê xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. 17 tuổi chị tham gia công tác bí mật tại Ban An ninh TX. Gò Công. Sau thời gian hoạt động hợp pháp, có nguy cơ bị lộ, chị chuyển sang công tác giao liên bán hợp pháp. Chị hy sinh ngày 5-8-1969 và được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm1995. |
Trong nhiều cuộc gặp gỡ, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Công an tỉnh thường nghe kể về tấm gương dũng cảm, kiên trung của chị. Người kể là người chỉ huy của chị năm xưa - nguyên Trưởng Ban An ninh TX. Gò Công Trần Thanh Tâm, người được chị bảo vệ, đã nén chịu đau đớn khi chứng kiến địch tra tấn chị, ghi nhận tinh thần bất khuất của chị.
Nhiều lần trò chuyện cùng CB-CS trẻ Công an tỉnh Tiền Giang, ông Tâm vẫn vẹn nguyên dòng cảm xúc: “Cô Lớ rất trẻ, nhưng gan dạ, dũng cảm, bị chúng đánh dã man, nhận nước, kéo lên chết đi sống lại mà trước sau cô vẫn chỉ một lời: “Tôi có chỉ huy, nhưng chỉ huy của tôi ở đâu tôi không biết”, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Tôi ở trong hầm, chỉ cách có mấy mét thôi. Qua lỗ thông hơi, tôi thấy rõ hết, đầu óc hoa lên, muốn tung nấp hầm lên, nhưng trong căn cứ còn nhiều hầm khác, nếu tôi bị lộ, những đồng chí khác bị lộ, hậu quả sẽ nặng nề hơn. Cô Lớ là giao liên, cô biết rất rõ vị trí từng căn hầm trong khu căn cứ tại Đồng Sơn Xép và đồng chí nào đang ẩn nấp tại chiếc hầm nào. Căn hầm tôi đang trú ẩn, chính cô là người cầm đèn soi cho tôi đào. Với khí tiết của một người cộng sản kiên trung, cô đã bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ đồng đội đến hơi thở cuối cùng…”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, trở về quê nhà (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), ông Tâm đã xin phép gia đình nữ AHLS Võ Thị Lớ lập bàn thờ chị tại nhà mình. Hằng năm, ông tổ chức lễ giỗ trang trọng để con cháu cùng tưởng nhớ chị.
Nơi chị yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gò Công Đông, nữ CB-CS Công an thường đến viếng. Không đơn giản chỉ là thắp những nén hương sưởi ấm người ngã xuống, mà cái chính là họ đang thắp sáng thêm ngọn lửa nhiệt tình cách mạng từ tấm gương ngời sáng của chị.
Hằng quý, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang phân công Hội Phụ nữ Công an tỉnh đến thăm gia đình chị, không chỉ để thực hiện trách nhiệm “Đền ơn, đáp nghĩa” bằng việc trao tiền trợ cấp hằng tháng và tặng quà mỗi dịp lễ, tết, mà thông qua đó còn là dịp để nhắc nhở CB-CS đơn vị nêu cao tinh thần rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, sống xứng đáng với thế hệ đi trước, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, có thêm động lực để phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ông Trần Văn Bé Hai (thứ hai từ trái sang) trò chuyện cùng các cán bộ Hội Phụ nữ Công an tỉnh Tiền Giang nhân ngày giỗ AHLS Võ Thị Lớ. |
Hiện nay, trên địa bàn xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông - quê hương nữ AHLS Võ Thị Lớ có một ngôi trường mang tên chị. Nơi này, CB-CS Công an tỉnh thường xuyên có những hoạt động nghĩa tình như: Tặng quà cho học sinh vượt khó học tốt, trao học bổng hỗ trợ học sinh xuất sắc, tặng quà Trung thu hằng năm cho các cháu thiếu nhi khó khăn của trường, tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống tại trường... Qua đó giúp các em biết và noi gương người nữ anh hùng của quê hương mình.
Nhắc nhở các em cũng là nhắc nhở chính mình. Sắp tới đây, có một cơ sở Đoàn Thanh niên trong Công an tỉnh xây dựng kế hoạch về việc thiết kế góc sinh hoạt truyền thống, tưởng niệm nữ AHLS Võ Thị Lớ ngay tại trường. Kinh phí do đoàn viên, thanh niên của cơ sở Đoàn hỗ trợ và vận động các nhà hảo tâm góp thêm.
Đây sẽ là điểm đến không thể thiếu trong mỗi chuyến về nguồn, trong mỗi đợt công tác xã hội tình nghĩa của CB-CS Công an tỉnh Tiền Giang. Ở đó, những câu chuyện về một nữ anh hùng và ân tình giữa các thế hệ sẽ không bao giờ kết thúc, góp phần tạo thêm động lực để các thế hệ vững bước đi lên, nêu cao trách nhiệm sống, cống hiến.
VĨNH HẬU