Thứ Tư, 27/11/2019, 15:18 (GMT+7)
.

Các huyện phía Đông: Chủ động ứng phó hạn, mặn

Ngành chuyên môn từ Trung ương đến địa phương nhận định: Mùa khô năm nay, hạn, mặn sẽ rất gay gắt, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Do đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch từ rất sớm và chỉ đạo cho ngành chuyên môn có biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Cống Xuân Hòa được đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại. Việc vận hành cống này có vai trò rất lớn trong việc ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng Ngọt hóa Gò Công..JPG
Cống Xuân Hòa được đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại. Việc vận hành cống này có vai trò rất lớn trong việc ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng Ngọt hóa Gò Công.

TĂNG NGUỒN CUNG NƯỚC SINH HOẠT

Hằng năm, các xã của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang như: An Thạnh Thủy, Bình Ninh, Bình Phan, Bình Phục Nhứt, Hòa Định, Quơn Long và Xuân Đông chịu ảnh hưởng hạn, mặn. Các xã này có 66 trạm cấp nước đang cung cấp cho khoảng 22.500 hộ dân. Các trạm cấp nước này có thể đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân sử dụng trong mùa khô năm 2020.

Vào mùa khô, các giếng khoan ở các xã Hòa Định, Xuân Đông, Bình Phan, Bình Phục Nhứt có độ mặn khá cao, dao động từ 394 - 1.439 mg/l. Để khắc phục tình trạng này, huyện Chợ Gạo kiến nghị tỉnh đầu tư, lắp đặt 2 tuyến ống tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm thay thế nguồn nước ngầm không đạt chất lượng trên địa bàn các xã của huyện Chợ Gạo, với kinh phí thực hiện trên 30 tỷ đồng.

Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có 5 trạm cấp nước do Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang quản lý và đang cung cấp cho trên 30.000 hộ dân. Khu vực xã Tân Thành, thị trấn Vàm Láng, xã Phước Trung, xã Gia Thuận, xã Tân Đông tuy được đấu nối với nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm nhưng do hệ thống tuyến ống tiếp nhận chưa hoàn chỉnh nên áp lực nước không đảm bảo. Do đó, khu vực này vẫn phải sử dụng nguồn nước mặt từ các kinh trục của vùng Ngọt hóa Gò Công.

Vì vậy, độ mặn và chất lượng nước phụ thuộc vào chất lượng nguồn nước trong vùng dự án. Giải pháp trước mắt, ngành chức năng cần phải đầu tư 3 tuyến ống tiếp nhận, bổ cấp nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm về các khu vực thiếu nguồn nước cung cấp trên địa bàn huyện Gò Công Đông, với kinh phí trên 72 tỷ đồng.

Còn giải pháp lâu dài, ngành chuyên môn cần lắp đặt 3 tuyến ống còn lại của giai đoạn 2 Dự án “Xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông”, với kinh phí thực hiện 128,7 tỷ đồng.

Hằng năm, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang luôn là tâm điểm chịu ảnh hưởng của hạn, mặn. Trên địa bàn huyện có 2 trạm cấp nước do Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang quản lý, cấp cho gần 9.000 hộ dân. Hệ thống chuyển tải nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Hiện tuyến ống nước chuyển tải D315 HDPE từ Trạm cấp nước Phú Thạnh đến Trạm cấp nước Phú Đông đang thi công và dự kiến đầu năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đối với huyện Tân Phú Đông, ngành chức năng của tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang xây dựng kế hoạch, điều tiết nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm giữa các trạm đã được đấu nối, để đảm bảo việc cấp nước của các trạm trong mùa khô năm 2020, trong đó công ty chú ý đến khu vực cuối nguồn như: Các ấp Cồn Cống, Pháo Đài (xã Phú Tân); đồng thời, có tính đến áp lực để phát triển đến các cụm dân cư trên địa bàn chưa có đường ống kéo đến.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (NN&PTNT) Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, hiện nay nhu cầu kinh phí đầu tư cho các công trình cấp nước sinh hoạt ở các huyện, thị phía Đông rất lớn, khoảng 325,8 tỷ đồng. Trước mắt, để bổ cấp ngay nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm về các khu vực thiếu nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thị phía Đông; kịp thời phục vụ cấp nước trong mùa khô năm 2020, Sở NN&PTNT đề xuất tỉnh xem xét, đầu tư 6 công trình cấp bách, ưu tiên đầu tư với kinh phí trên 113,6 tỷ đồng.

CHỦ ĐỘNG NƯỚC SẢN XUẤT

Đến thời điểm này, hàng loạt công trình ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh đã thi công và đưa vào sử dụng. Việc hoàn thành khép kín và có kế hoạch vận hành lấy nước trong mùa khô tới sẽ đảm bảo tưới cho hơn 28.000/gần 70.000 ha lúa đông xuân 2019 - 2020 (vùng Ngọt hóa Gò Công có trên 25.000 ha, vùng Bảo Định gần 3.000 ha), khoảng 8.500 ha hoa màu (vùng Ngọt hóa Gò Công trên 5.000 ha, vùng Bảo Định gần 3.500 ha) và đảm bảo ngăn mặn bảo vệ 74.500 ha vườn cây ăn trái, vườn khóm ở các huyện, thị phía Tây. Đặc biệt là đảm bảo nước sinh hoạt cho khoảng 600 ngàn dân trên địa bàn các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây, TX. Gò Công và 11 xã thuộc vùng Ngọt hóa Gò Công của huyện Chợ Gạo. Còn nếu mặn kéo dài, ngành chức năng phải đảm bảo nước tưới cho khoảng 36.000 ha lúa xuân hè năm 2020 ở các huyện , thị phía Tây.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết, trước mắt vùng Ngọt hóa Gò Công, các địa phương cần rà soát lại diện tích lúa thu đông năm 2019 trễ vụ để khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng, nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra; xuống giống đúng lịch thời vụ trong vùng dự án để tránh thiếu nước vào cuối vụ.

Ngoài ra, địa phương cần tiếp tục thực hiện Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng; ngăn mặn triệt để, sửa chữa kịp thời những cống không đảm bảo ngăn mặn, giải phóng chướng ngại vật lòng kinh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kinh trục, kinh cấp 1 và cấp 2; vận hành công trình đúng quy trình.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn thường xuyên thông báo diễn biến tình hình hạn, mặn kịp thời để các địa phương chủ động ứng phó; khẩn trương thi công và đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi bằng các nguồn vốn xây dựng cơ bản, phòng, chống thiên tai, nguồn hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phân bổ cho địa phương (thủy lợi phí cấp bù)… của năm 2019 để phục vụ cho công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2020.

Trong trường họp mặn đến sớm, gây thiếu nước, cơ quan chuyên môn tổ chức vận hành lấy gạn nước ngọt qua cống Xuân Hòa và cống Rạch Chợ để tiếp tục cung cấp nước tưới cho diện tích lúa của vùng Ngọt hóa Gò Công.

SĨ NGUYÊN

.
.
.