Cơ hội cho kiều bào đầu tư vào Tiền Giang
Những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn đánh giá cao tiềm năng của kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về quê hương đầu tư, góp phần phát huy tiềm năng của tỉnh. Hội nghị Kết nối kiều bào với địa phương với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương, hội nhập và phát triển” tại Tiền Giang diễn ra vào sáng 24-12 đã thu hút 60 doanh nghiệp kiều bào tham dự, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với kiều bào trong giờ giải lao. |
Hội nghị Kết nối kiều bào với địa phương do UBND tỉnh phối hợp Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tham dự hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cùng 60 trí thức, doanh nhân đang sinh sống và làm việc tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Pháp, Đức, Israel, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Mỹ, Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)…
NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và kiều bào nói riêng luôn được tỉnh chú trọng và được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần lớn vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Năm 2015, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công việc thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản về người Việt Nam ở nước ngoài có quê gốc Tiền Giang, với khoảng 18.019 người và đã có nhiều đóng góp cho tỉnh.
Trong năm 2019, lượng kiều hối của kiều bào gửi về tỉnh là 79,5 triệu USD, là một trong những địa phương có lượng kiều hối kiều bào gửi về tương đối lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tính đến nay, có 17 doanh nghiệp (DN) Việt kiều, với tổng vốn đăng ký trên 123,6 tỷ đồng; hoạt động trong các lĩnh vực: Chế biến nông, thủy sản xuất khẩu, may mặc, xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Đại biểu tham quan khu trưng bày đặc sản Tiền Giang. |
Tiền Giang đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư đến hợp tác, kinh doanh. Tỉnh hiện có 71 dự án đang mời gọi đầu tư, trong đó có Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, 2; Khu công nghiệp Tân Phước 1; Cụm công nghiệp Tân Lý Đông; Khu công nghiệp Soài Rạp; Khu công nghiệp Tân Phước 2; Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây; Cụm công nghiệp Thạnh Tân; các dự án sản xuất giống cây trồng, rau và hoa công nghệ cao…
Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN tỉnh Nguyễn Duy Tâm cho biết: “Với vị trí địa lý khá thuận lợi, giao thông đường bộ - đường thủy kết nối với nhiều trung tâm kinh tế như TP. Hồ Chí Minh - Long An - Cần Thơ, dân số trong độ tuổi lao động cao, Tiền Giang có nhiều tiềm năng trong những lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực… Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiền Giang được xem là vựa trái cây lớn nhất cả nước, với tổng diện tích trên 87.000 ha, sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn/năm, có nhiều loại trái cây đặc sản như: Xoài, sầu riêng, bưởi, vú sữa, chôm chôm, cam, nhãn, dứa, thanh long… Hiện tỉnh đang có nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó ứng dụng công nghệ cao có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư đến hợp tác kinh doanh”.
Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc và Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang ký kết bản thỏa thuận hợp tác. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, để kịp thời thông tin về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như kết nối liên lạc với kiều bào ở nước ngoài, tỉnh đã thành lập 3 Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Mỹ Tho, huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông. Tiền Giang luôn sẵn sàng tạo thuận lợi nhất có thể để kiều bào về địa phương đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, mong muốn kiều bào tiếp tục tạo cầu nối để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, trao đổi, mời gọi các DN nước ngoài về đầu tư tại địa phương.
CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN DELTA E&C, PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NHÂN VÀ ĐẦU TƯVIỆT NAM - HÀN QUỐC STEVE BÙI: Tôi đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để kêu gọi đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc, công nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng chưa được tốt lắm, Tiền Giang cần đầu tư thêm về hạ tầng, các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch thu hút hơn để khi các nhà đầu tư đến cảm thấy đây là đích đến cuối cùng, thay vì lựa chọn các nơi khác ở Việt Nam. Chúng tôi rất xúc động khi về Tiền Giang, đây là cơ hội rất tốt, không chỉ là dịp xúc tiến đầu tư, mà còn là kênh truyền thông rất tốt cho tỉnh để đưa được thông điệp của tỉnh đến kiều bào các nước trên thế giới. Tôi ấn tượng ở Tiền Giang là sự thân thiện, con người chăm chỉ, đây là tố chất tạo sự an tâm cho nhà đầu tư khi về đây đầu tư, kinh doanh. |
CƠ HỘI ĐẦU TƯ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng, nguồn lực của các doanh nhân, DN kiều bào không chỉ là lượng kiều hối, mà còn là mạng lưới thông tin cơ sở hỗ trợ các tỉnh, thành trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài. Khi tham quan các dự án tại Tiền Giang, 60 kiều bào đã có cơ hội nhìn thấy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, quan tâm nhiều hơn các dự án tỉnh đang cần đầu tư. Hội nghị kết nối hôm nay chính là sự đồng hành kết nối nhằm hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm khách hàng và đối tác phù hợp, nắm bắt các cơ hội đầu tư tại Tiền Giang. Đồng thời, hướng đến việc liên kết, đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng ra thị trường quốc tế. Từ hội nghị này, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ giới thiệu đến nhiều DN kiều bào về tiềm năng, thế mạnh của Tiền Giang nhằm giúp địa phương sớm xúc tiến các dự án kêu gọi đầu tư, nhất là các dự án liên quan đến sản xuất, chế biến nông sản công nghệ cao.
Ghi nhận tại hội nghị, các kiều bào đều đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trong việc tạo ra cầu nối để các DN kiều bào được tham quan khảo sát các dự án mà tỉnh đang mời gọi đầu tư.
CHỦ TỊCH HIỆP HỘI PHÁT TRIỂN KINH TẾ VĂN HÓA GIÁO DỤC ĐÀI - VIỆT NAM NGÔ PHẨM TRÂN: Mong tỉnh tiếp tục tạo cầu nối để kiều bào về đầu tư Tôi đã đi xúc tiến nhiều tỉnh ở ĐBSCL và thấy Tiền Giang có nhiều lợi thế, nhất là thế mạnh gần TP. Hồ Chí Minh sẽ thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư. Hiện tại, có hơn 6.000 DN Đài Loan đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Tiền Giang. Tốc độ tăng trưởng của các nhà đầu tư về Việt Nam ngày càng nhanh và Tiền Giang là một điểm đáng giới thiệu đến DN Đài Loan để họ đến đầu tư. Đặc biệt, Tiền Giang có chính sách thu hút đầu tư rất ấn tượng như: Hỗ trợ của chính quyền, miễn giảm thuế, hỗ trợ về thị trường… Đài Loan đang đầu tư mạnh về mảng nông nghiệp công nghệ cao, những kiều bào chúng tôi ở nước ngoài đã học tập được những công nghệ hay của họ. Điều mà chúng tôi mong muốn là làm sao để mang những công nghệ tiên tiến về áp dụng cho Việt Nam. Tiền Giang có vùng nguyên liệu trái cây nhưng tỉnh thiếu công nghệ cao, nên chưa chế biến thành phẩm để xuất đi các nước trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi rất mong tỉnh tiếp tục tạo cầu nối để kiều bào trở về đầu tư cho quê hương, hỗ trợ về nông nghiệp cho nông dân quê hương mình. |
Đặc biệt là các chính sách ưu đãi của tỉnh đã tạo ra sự khác biệt về độ hấp dẫn của Tiền Giang so với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Tuy nhiên, một số DN kiều bào cho rằng, Tiền Giang vẫn cần cụ thể hóa hơn nữa các chính sách mời gọi đầu tư, nhất là việc tạo ra nền tảng đất sạch có ý nghĩa rất quan trọng với các nhà đầu tư.
Nhiều DN kiều bào mong muốn lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để DN kiều bào hợp tác tốt với tỉnh để xúc tiến phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tiền Giang khi tham gia tại nhiều nước trên thế giới. Sau khi ký kết bản thỏa thuận hợp tác, kiều bào mong được UBND tỉnh thông tin rõ hơn về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, giúp định hướng nông dân hợp tác sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất, sơ chế, chế biến bảo quản nông sản là rất cần thiết để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Công ty TNHH Hóa dược Hoàng An Hoàng Trung Hà cho rằng, Tiền Giang hiện có nhiều đặc sản trái cây, tuy nhiên chưa được ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, chưa có các giải pháp cho giá trị sinh học nên chưa khai thác hết thế mạnh của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cần tạo nhiều cầu nối để DN kiều bào có cơ hội tìm hiểu đầu tư góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm, vừa gắn kết tài chính, vừa nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường liên kết các khu vực trong và ngoài nước, nơi có sự tương đồng về sản phẩm dịch vụ tạo nên sự liên kết DN giữa người Việt Nam ở nước ngoài với DN Tiền Giang trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc và Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ nhau có hiệu quả hơn trong tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường đầu tư kinh doanh.
TUỆ MẪN