Những điều luật nhân văn với con người, nhân đạo với vật nuôi
Từ ngày 1-1-2020, 5 luật có hiệu lực thi hành là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Thi hành án hình sự và Luật Đầu tư công.
Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đó là, xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Tính nhân văn của luật này là nhiều người do không bị xúi giục, kích động lôi kéo, ép buộc uống rượu, bia; nhiều người chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, không được khuyến mại rượu, bia hoặc không sản xuất, mua bán, rượu, bia; nhiều người không điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nên không bị thiệt mạng hoặc thương tật.
Điều 30 của Luật Thi hành án hình sự bổ sung quy định người đồng tính, người chuyển giới, người chưa xác định rõ giới tính được giam giữ riêng. Điều 32 của Luật này bổ sung quy định phạm nhân lao động không quá 8 giờ mỗi ngày và không quá 5 ngày mỗi tuần; được nghỉ ngày chủ nhật, ngày lễ, tết.
Điều 69 của Luật Chăn nuôi quy định: Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Điều 70 của Luật này quy định: Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Điều 71 của Luật này quy định: Cơ sở giết mổ vật nuôi phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi và phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ. Tinh thần chung của luật là phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, trong vận chuyển và trong giết mổ.
Không phân tích, bình luận gì thêm cũng đủ thấy các điều luật trên thấm đẫm tính nhân văn đối với con người và tính nhân đạo đối với vật nuôi.
NHƯ NGỌC