.

Cần "lá chắn" vững chắc hơn để bảo vệ trẻ em

Cập nhật: 10:41, 13/06/2020 (GMT+7)

Hiện tại, ở nước ta trẻ em chiếm khoảng 1/4 dân số, được xác định, được nhận thức là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Do vậy, trẻ em cần phải được coi là những công dân đặc biệt, được Nhà nước, gia đình và xã hội chăm sóc, tạo môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm quyền trẻ em được sống an toàn, hạnh phúc là bảo đảm cho tương lai phát triển bền vững của đất nước. Vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em được Đảng, Nhà nước rất coi trọng và quan tâm.

Tiền Giang luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.                                                                 Ảnh: phi công
Tiền Giang luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ảnh: Phi Công

Tiền Giang đang cùng cả nước thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, diễn ra từ ngày 1 đến 30-6, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Điều đặc biệt là, ngay trước Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Quốc hội đã dành trọn một ngày (27-5) để thảo luận trực tuyến báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tối cao về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, một chủ đề giám sát có tính chuyên môn sâu và hoàn toàn không dễ dàng để thu thập đầy đủ thông tin, số liệu.

Tiền Giang hiện có trên 36.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo luật là 6.245 trẻ, chiếm 1,4% tổng số trẻ em; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác là 1.569 trẻ, chiếm 0,35% tổng số trẻ em và trẻ em diện hộ nghèo là 28.493 trẻ, chiếm 6,6% tổng số trẻ em. Qua ghi nhận, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 201 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó bạo lực 10 trường hợp, xâm hại tình dục 181 trường hợp và các hình thức gây tổn hại khác là 10 trường hợp.

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.

Nhiều điểm sáng và chuyển biến tích cực đã được Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận trong Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, phải kể đến một số việc như: Tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội…

Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại, bởi các hành vi xâm hại tình dục, bắt cóc, buôn bán trẻ em.

Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại...

Theo đánh giá, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung.

Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi như: Người quen, người lạ, người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè trong và ngoài nhà trường... Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với cơ quan chức năng.

Hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em. Thực tế, để bảo vệ trẻ em, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ.

Ngay trong giai đoạn thực hiện giám sát, bên cạnh Luật Trẻ em đã có 18 luật, 34 nghị định, chương trình, đề án cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 32 văn bản của các bộ, ngành ban hành liên quan đến công tác trẻ em. Hệ thống pháp luật đầy đủ nhưng theo đánh giá, tính răn đe chưa đủ mạnh. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em là cần thiết.

Tham gia thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vào ngày 27-5, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Việc phòng, chống xâm hại trẻ em ngoài các giải pháp được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, cần có thêm cái nhìn thiết thực hơn về vấn đề này. Đây chính là việc tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh, để mọi trẻ em đều được ăn no, mặc ấm, không lo nghĩ đến cơm áo, gạo tiền, có đời sống tình cảm trong sáng, phong phú, tập trung học tập để trở thành người có ích cho đất nước, cho xã hội mai sau.

Đây chính là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi chúng ta. Do vậy, từng người chúng ta hãy cùng nhìn lại trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, giáo dục con cái của mình, của người khác để kịp thời phát hiện và sửa chữa những khiếm khuyết này ngay khi còn có thể và trước khi quá muộn, để trẻ em ngày nay - các công dân tương lai của Việt Nam có được tuổi thơ, tuổi học trò đáng mơ ước, luôn giữ được ký ức đẹp và cũng là niềm hãnh diện cho gia đình, cho xã hội và cho đất nước Việt Nam mai sau”.

Đối với mỗi gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại con, cháu của mình. Phải giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Khi từng cá nhân và cả cộng đồng chung tay thay đổi nhận thức và hành động một cách mạnh mẽ hơn, chắc chắn sẽ hình thành “lá chắn” vững chắc hơn để bảo vệ những “mầm xanh” tương lai của đất nước.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.