Khởi nghiệp từ trà mãng cầu xiêm
Xuất phát từ việc giải quyết đầu ra cho nông sản, cô Nguyễn Thị Bảy đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình sản xuất trà từ trái mãng cầu Xiêm, là 1 trong 2 loại cây trồng chủ lực của huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Hiện sản phẩm trà mãng cầu xiêm Vĩnh Phát không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến, mà còn vươn xa ra các thị trường nước ngoài khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Canada, Singapore.
Cô Nguyễn Thị Bảy với sản phẩm trà mãng cầu xiêm Vĩnh Phát. |
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, cô Bảy trải lòng: “Trước thực trạng nhiều bà con quê mình trồng cây mãng cầu xiêm phải dày công chăm sóc trong nhiều năm mới cho trái, nhưng đến khi thu hoạch có nhiều lúc bị dội chợ, rớt giá, trái chín phải bán rẻ, thậm chí không ai thu mua phải bỏ đi, nguồn thu nhập bị giảm sút, nên tôi quyết tâm, bền chí khởi nghiệp từ cây trồng này. Bởi ông bà ta đã từng lấy những trái mãng cầu xiêm cắt nhỏ rồi phơi khô hay rang, sau đó nấu uống hằng ngày cho hương vị đậm đà, có lợi cho sức khỏe. Tôi đã nghiên cứu, chế biến trái mãng cầu xiêm thành trà. Như cái duyên định sẵn, tôi có người con học chuyên ngành Công nghệ thực phẩm, giúp tôi chế biến thành công sản phẩm trà mãng cầu xiêm Vĩnh Phát...”.
Để có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất, cô Bảy đã liên kết với các hộ trồng mãng cầu ở địa phương trong việc cung cấp nguyên liệu. “Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, khách đặt hàng bao nhiêu thì tôi làm bấy nhiêu. Dần dần, khi có thị trường tiêu thụ ổn định, tôi đã đầu tư thêm dàn máy bán công nghiệp, gồm máy sục ozone, máy cắt, máy sấy, máy dán bao bì. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, cuối năm 2017 tôi đầu tư thêm máy đóng gói túi lọc hoàn toàn tự động “5 trong 1”, với chi phí 330 triệu đồng. Tỉnh còn hỗ trợ tôi mua thêm máy sấy, trị giá 150 triệu đồng…” - cô Bảy cho biết.
Theo cô Bảy, điểm khác biệt để tạo nên thương hiệu trà nằm ở bí quyết chọn nguyên liệu và quy trình sản xuất. Sau khi lựa chọn những trái mãng cầu xiêm đạt tiêu chuẩn, đem rửa sạch, ngâm nước sục ozone để diệt khuẩn trong 30 - 40 phút. Sau đó, trái được để ráo nước và tách bỏ hạt rồi đưa vào máy cắt nhỏ, sấy khoảng 5 - 6 giờ trước khi đóng gói. Khu nhà xưởng được xây riêng và chia thành các buồng rửa, bổ, cắt, sấy, đóng gói. Cô Bảy còn đặt mua bao bì cho sản phẩm là túi đựng 6 lớp phủ nhôm giúp bảo quản trà tốt hơn. Để tạo ra một kg trà thành phẩm phải sử dụng tới 10 kg trái mãng cầu...
Không chỉ giải quyết đầu ra trái mãng cầu cho bà con nông dân, cơ sở của cô Bảy tạo việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/người/ngày.
SONG PHƯƠNG