Để gia đình là nền tảng phát triển xã hội
Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, song Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Tiền Giang vẫn ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động phù hợp tình hình địa phương.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở sẽ tổ chức tuyên truyền trực quan, cổ động bằng các hình thức: Băng rôn, pa nô, áp phích tại trụ sở, cơ quan, trên các trục đường chính, khu vực đông dân cư của các địa phương, với những nội dung hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc: “Yêu thương và chia sẻ”, “Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, “Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc”…, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của gia đình trong xã hội.
ĐỀ CAO VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH
Dân tộc ta luôn đề cao vai trò của gia đình, dù cho xã hội có thay đổi thì vai trò của gia đình cũng không thay đổi. Gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội, duy trì nòi giống, mà còn là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục đạo đức, lối sống, nơi hình thành nhân cách con người đầu tiên. Một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động, tạo ra những biến đổi và phát triển.
Ngành VH-TT&DL tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Ảnh: THU HOÀI |
Gia đình hạnh phúc bền vững không chỉ có sự “no ấm, bình đẳng, tiến bộ”, mà còn là nơi hội tụ tổng thể những nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội, được thể hiện qua thái độ, hành vi, cách cư xử trong gia đình, trong đó phải đảm bảo các nguyên tắc: Đối với người trên phải tôn kính, lễ độ, khiêm tốn và quan tâm, chăm sóc; đối với người dưới phải biểu lộ thái độ thông cảm, nhường nhịn, giúp đỡ, vị tha; đối với người cùng thế hệ phải hết sức tôn trọng, chân thành, bác ái; trong quan hệ vợ chồng phải hòa thuận trên cơ sở tình yêu thương, chung thủy và sự hiểu biết lẫn nhau.
Vì vậy, nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên trong gia đình có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, thủy chung, tôn trọng kỷ cương, phép nước, cần cù lao động và học tập làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội là một điều hết sức cần thiết.
CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA
Đối với tỉnh ta, những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đã tạo sự lan tỏa và phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội.
Xây dựng gia đình hạnh phúc là nền tảng phát triển xã hội. Vì vậy, công tác xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà của cả hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, để việc xây dựng gia đình hạnh phúc đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. |
Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả, chú trọng đến chất lượng các danh hiệu văn hóa, trong đó đặc biệt là danh hiệu Gia đình văn hóa theo 3 tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng...
Từng nội dung được cụ thể hóa, có hướng dẫn đăng ký, bình xét công khai, minh bạch. Kết quả, hằng năm trên địa bàn tỉnh đều có trên 90% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng thành công nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.
Để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc trong thời gian tới, thiết nghĩ cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thật sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau. Phát huy các nét đặc trưng tốt đẹp trong gia đình Việt Nam truyền thống: Giáo dục đạo đức gia đình, duy trì bữa cơm gia đình, phát huy các hoạt động quan tâm, chăm sóc nhau của các thành viên trong gia đình…
NGUYỄN MINH PHÚC