Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững: Nâng cao nhận thức cộng đồng
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững là điều hết sức cần thiết.
XÂY DỰNG NHIỀU “PHÁO ĐÀI”
Đảng, Nhà nước xác định gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội, là một trong những yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Đối với xã hội Việt Nam, một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động, tạo ra những biến đổi và phát triển.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Tiền Giang và các huyện, thành, thị tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: THU HOÀI |
Gia đình hạnh phúc phải đảm bảo các nguyên tắc: Đối với người trên phải tôn kính, lễ độ, khiêm tốn và quan tâm, chăm sóc; đối với người dưới phải biểu lộ thái độ thông cảm, nhường nhịn, giúp đỡ, vị tha; đối với người cùng thế hệ phải hết sức tôn trọng, chân thành, bác ái; trong quan hệ vợ chồng phải hòa thuận trên cơ sở tình yêu thương, chung thủy và sự hiểu biết lẫn nhau. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, với các nội dung hướng tới việc củng cố vị trí, vai trò và chức năng của gia đình, tạo điều kiện cho gia đình phát triển bền vững.
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT&DL Tiền Giang Lê Thanh Lan, cho biết: Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công, hằng năm đều xây dựng kế hoạch lồng ghép vào nhiệm vụ chung của ngành, tổ chức phát động và vận động gia đình đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực đăng ký xây dựng gia đình, ấp (khu phố) văn hóa và thành lập, duy trì hoạt động của các mô hình câu lạc bộ (CLB): 684 CLB Gia đình hạnh phúc bền vững và 392 Đội Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) với 19.968 thành viên tham gia (của ngành Văn hóa); 462 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và hơn 800 CLB do các ngành, đoàn thể xây dựng, duy trì sinh hoạt hằng tháng, quý. Thông qua các mô hình trên đã kịp thời phát hiện, xử lý, can thiệp, hòa giải các vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong gia đình.
Đến nay, toàn tỉnh có 100% đơn vị cấp xã có các mô hình CLB, là những “pháo đài”, làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong xây dựng gia đình hạnh phúc, ngăn chặn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình. Từ năm 2010 đến nay, từ tỉnh đến cơ sở đã tuyên dương 5.956 gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình hạnh phúc nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3...
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia đình Việt Nam đã có những biến đổi tích cực, tính độc lập, năng động, sáng tạo của các thành viên trong gia đình được phát huy, kinh tế hộ gia đình được chú trọng phát triển, có cuộc sống vật chất no đủ hơn, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, hạnh phúc gia đình được quan tâm chăm lo ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, trước những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đang có nhiều thay đổi, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp bị mai một, sức cám dỗ của đồng tiền đã chi phối quan hệ gia đình; lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân, sự xuống cấp, thoái hóa về đạo đức, lối sống đang có biểu hiện gia tăng ở một bộ phận người dân, đặc biệt là trong giới trẻ; tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung không đăng ký kết hôn, sống thử; phụ nữ và trẻ em gái nạo phá thai có chiều hướng gia tăng, nguy hại đến sức khỏe nòi giống; tệ nạn xã hội vẫn còn diễn ra phức tạp (ma túy, rượu chè, cờ bạc, gái mại dâm, hút chích, HIV/AIDS, trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành, trẻ em vi phạm pháp luật) và tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn diễn ra…
NHỮNG GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Quan tâm xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc với những nội dung thiết thực, phù hợp là việc làm mang ý nghĩa lớn, vì vậy cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội, các thành viên trong gia đình về tầm quan trọng của gia đình và giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình; thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình và PCBLGĐ; chú trọng tuyên truyền vào đối tượng nam giới; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các gia đình tiêu biểu; đồng thời, phê phán các hành vi gây ảnh hưởng đến sự bền chặt của gia đình, như thiếu chung thủy, thiếu gương mẫu của các thành viên lớn tuổi; sự thiếu quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa thành viên trong gia đình; sự vô cảm trước cộng đồng…
Mặt khác, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả tiêu cực về mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình và xã hội; chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm độc hại tác động vào gia đình; phát huy vai trò tích cực, gương mẫu của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc ngày càng lan tỏa; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình, cung cấp cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ về kỹ năng sống; nghiên cứu lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình và PCBLGĐ vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học; nêu cao nghĩa vụ và trách nhiệm của từng thành viên đối với gia đình để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.
ÁNH DƯƠNG