Thứ Hai, 28/06/2021, 09:09 (GMT+7)
.

Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc

Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2021) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chọn chủ đề và thông điệp truyền thông là “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc” nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển đất nước.

Để có được một Gia đình bình an, hạnh phúc đúng thực chất đỏi hỏi mọi thành viên trong gia đình phải “đồng tâm hiệp lực” thực hiện rất nhiều việc nhưng quan trọng nhất là giáo dục gia đình bởi không môi trường nào có ảnh hưởng đến hành vi của con người bằng gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, thiêng liêng đối với mọi người với những quy tắc, chuẩn mực để hình thành bệ phóng cho những nhân cách tốt đẹp.

Giáo dục gia đình được thực hiện thông qua cách thức tổ chức đời sống gia đình, quá trình tổ chức các hoạt động của trẻ và dựa trên nền tảng căn bản của sự gương mẫu, nêu gương của các bậc cha mẹ. Đó là việc nuôi dạy con cái kỹ năng sống, làm các công việc trong gia đình và chuẩn bị cho chúng bước ra ngoài xã hội, dạy dỗ việc ứng xử với cha mẹ, anh chị em trong gia đình, bà con trong dòng họ và ứng xử ngoài xã hội. Từ đó, tạo ra những con người có nhân cách, có tình cảm, sự nhường nhịn, lễ phép, kính trên nhường dưới, có lòng bao dung và tình yêu con người.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.                                                                                                                                           Ảnh: THU HOÀI
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: THU HOÀI

Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, mỗi sự thờ ơ, thiếu ý thức của bất cứ cá nhân hay gia đình nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, không nghe theo hoặc phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng tác động tiêu cực tới xã hội...

Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang Lê Văn Dũng, để xây dựng “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và từng gia đình, từng cá nhân hãy có những hành động thiết thực để tôn vinh và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, trong đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của gia đình, giá trị gia đình trong sự phát triển chung của toàn xã hội.

Gia đình có ổn định thì cộng đồng và xã hội mới ổn định phát triển. Các chính sách kinh tế - xã hội cần phải quan tâm tới những tác động đối với đời sống của mọi gia đình; tích cực triển khai các chương trình phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương về công tác gia đình; kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình; chú trọng biểu dương những tấm gương tốt và phê phán những hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục và với giá trị gia đình; đẩy mạnh các hoạt động của phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Thiết nghĩ, nếu làm tốt những việc vừa nêu trên thì gia đình sẽ thực sự là hạt nhân, tế bào của xã hội. Hạt nhân ấy, tế bào ấy có mạnh khỏe, có bình an thì xã hội mới hạnh phúc.

NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.