.

Tối 19-11, TPHCM tổ chức tưởng niệm đồng bào tử vong, chiến sĩ hy sinh do Covid-19

Cập nhật: 21:54, 11/11/2021 (GMT+7)

Chiều 11-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM. Các đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP chủ trì buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Phạm Đức Hải cho biết, ngày 11-11, UBND TPHCM đã bàn hành Kế hoạch tổ chức Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ hy sinh và đồng bào tử vong trong đại dịch. Chương trình tưởng niệm sẽ do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành uỷ TPHCM tổ chức. Đơn vị thực hiện là Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Thời gian làm lễ tưởng niệm vào lúc 19 giờ ngày 19-11-2021 tại Hội trường Thống Nhất (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1) và tại các điểm cầu của 21 quận huyện, TP Thủ Đức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng HTV.

Cụ thể, vào lúc 19 giờ sẽ phát một số hình ảnh, phóng sự về TPHCM qua “cuộc chiến sinh tử” với đại dịch Covid-19; 19 giờ 15 phút sẽ là phát biểu của lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc lãnh đạo TPHCM.

Nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 diễn ra vào lúc 19 giờ 30.

a
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ chiều 11-11

Nhiều giải pháp kiểm soát dịch trong cộng đồng

Liên quan tới 25 ổ dịch mới trên địa bàn huyện Hóc Môn thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỹ Châu cho biết, trước hết do mật độ dân số tại huyện khá dày, số nhà trọ cũng rất đông. Tại Hóc Môn về đặc thù dân cư lại là địa bàn có số lượng hộ dân là bà con, họ hàng, sống gần nhà nhau, thường xuyên giao lưu nhất là từ sau ngày 1-10 khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách, một bộ phần người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Người dân thiếu nghiêm túc trong việc tuân thủ 5K. Bên cạnh đó, huyện có 2 xã Bà Điểm và Xuân Thới Thượng, giáp ranh một số khu công nghiệp… nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh khi hoạt động trở lại nhưng chưa thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, cũng theo bà Lê Thụy Mỹ Châu, địa bàn huyện có 1 chợ đầu mối và 12 chợ truyền thống, tới nay đã có 9/12 chợ hoạt động trở lại, nhưng việc tuân thủ phòng chống dịch chưa tốt, cũng là nguyên nhân khiến các ca bệnh gia tăng trở lại cộng đồng.

a
Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu

Do đó, UBND huyện Hóc Môn đang triển khai xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô 300 giường trên địa bàn để thu dung, điều trị người mắc Covid-19.

Nói thêm về việc này, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định, đây là kết quả tất yếu khi thành phố chấp nhận nới lỏng giãn cách xã hội, thích ứng an toàn dịch bệnh trong tình hình mới. Do đó, Sở Y tế TP và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã điều động lực lượng y bác sĩ của các bệnh viện được giao phụ trách xuống hỗ trợ các trung tâm y tế, trạm y tế địa phương để kịp thời cấp phát các gói thuốc điều trị đến người bệnh.

a
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu phát biểu tại buổi họp báo

Giải thích thêm về số ca tử vong có chiều hướng tăng trong mấy ngày qua, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, theo thống kê trong ngày 10-11, TPHCM ghi nhận 38 ca tử vong, có 3 trường hợp từ các bệnh viện tỉnh liên hệ điều trị (34 trường hợp có bệnh nền). Trong số ca ghi nhận, số trường hợp tử vong chưa tiêm vaccine là 20 (có 12 người trên 65 tuổi và bệnh nền). Số ca tử vong đã tiêm đủ là 10 người (trên 50 tuổi và có bệnh nền).

a
Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú

Không để chợ tự phát hoạt động chui trở lại

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, tính đến nay lượng hàng hóa về thành phố đạt 8.000 tấn/ngày. Riêng 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền mỗi ngày có lượng hàng về đạt 3.000 tấn/ngày. Ông Lê Huỳnh Minh Tú đặc biệt nhấn mạnh tới việc các quận huyện, TP Thủ Đức phải quyết liệt kiểm tra, xử lý triệt để các địa bàn để chợ tự phát mở trở lại.

Liên quan tới công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong thời gian qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho hay, tình hình xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm nồng độ cồn tại quận 7 và TP Thủ Đức từ 28-10 đến 8-11 nhìn chung ổn định. Tuy nhiên vẫn xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, giảm 10 vụ so với thời gian liền kề; làm chết 11 người (giảm 14 người).

a
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM

Lực lượng CSGT kiểm tra phát hiện, xử lý 19.378 trường hợp, trung bình khoảng 2.000 trường hợp/ngày, xử phạt 11.058 người vi phạm, tước giấy phép trên 1.000 trường hợp, tạm giữ khoảng 1.000 phương tiện. Đồng thời lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm nồng đồ cồn từ 28-10 đến 8-11 là 582 trường hợp (chiếm 3% số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông). Riêng quận 7 xử lý 58 trường hợp trong cùng thời gian trên.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch

Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nhấn mạnh tới việc các địa phương phải có giải pháp quyết liêt, không để cho người dân chủ quan. Bởi càng buông lòng, chủ quan, sự chuyển đổi sắc màu từ xanh sang vàng, cam, đỏ, có thể xảy ra. Do đó, ngành văn hóa, phối hợp với các địa phương, đặc biệt quan tâm nơi có đông công nhân, người lao đông, khu tập trung đông dân cư để tăng cường băng rôn, áp phích nhằm chuyền tải mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch tới người dân.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.