.

"Đội bay" nông dân

Cập nhật: 09:31, 26/05/2022 (GMT+7)

Khoảng 3-4 giờ sáng, “đội bay” gồm 2 nông dân Nguyễn Văn Tèo và Trần Văn Cường đưa chiếc máy bay phun thuốc trừ sâu T20 ra cánh đồng rộng lớn. Ngồi ở một góc ruộng, 2 anh nông dân dán mắt vào màn hình theo dõi máy bay trên cánh đồng cách đó chừng trăm mét.

Bay đêm…

“3 giờ sáng, chúng tôi phải ra đồng để “bay” rồi. Còn nhà báo cứ ngủ tới khoảng 5-6 giờ ra sau cũng được, vì ra sớm tối đen làm sao thấy đường chụp hình”, anh nông dân Nguyễn Văn Tèo nói, khi tôi ngỏ ý muốn theo các anh đi “bay đêm”. Phần vì lạ chỗ, phần vì nôn nao muốn “đi bay”, tôi đã dậy thật sớm.

Từ thị trấn Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), vượt hơn 10km đường nông thôn giăng đầy sương khuya, tôi đến xã Tuyên Bình Tây, nơi “đội bay” của anh Tèo và anh Cường “hội quân”. Đó vừa là nhà, vừa là cửa hàng bán máy nông nghiệp của vợ chồng anh Đỗ Văn Xem, người chủ của chiếc T20.

Trong khi anh Cường kiểm tra chiếc T20 cùng các vật dụng đi kèm, rồi đưa nó lên buộc thật kỹ trên chiếc xe máy cà tàng, thì anh Tèo nhận “lệnh bay” từ người chủ tên Xem. Trong “lệnh bay” ngày hôm ấy có gần 20 khách hàng với tổng cộng hơn 50ha ở các xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng) và Tuyên Bình Tây (huyện Vĩnh Hưng).

Anh Xem cho biết, là chủ của máy bay, anh có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng, rồi lên lịch bay từng ngày cho “đội bay”. Lịch bay được lập theo trình tự “ruộng cần bay đêm trước, bay ngày sau”, hoặc ruộng xa trước, ruộng gần sau.

“Sao lại có bay đêm và bay ngày?”, tôi hỏi. “Tùy tuổi lúa mà phun thuốc trừ sâu ban ngày hay ban đêm. Nếu lúa còn non, phun thuốc ban ngày có thể ảnh hưởng đến lá lúa, nên chủ ruộng thường muốn “bay” ban đêm, lúc sương khuya đã phủ trên lá lúa, ngăn không cho thuốc ngấm vào lá. Cũng có chủ ruộng cho rằng, ban ngày sâu rầy ẩn bên trong, đến đêm mới ra phá hoại cây lúa, nên phun thuốc ban đêm sẽ hiệu quả hơn”, anh Xem giải thích.

Trước đây, anh Tèo và anh Cường đi làm ăn xa, giờ về quê “bay” cho anh Xem. Mỗi hécta phun thuốc bằng máy bay giá hơn 100.000 đồng, trong đó phần công của 2 anh là 30.000 đồng. Trung bình mỗi ngày “bay” được 50ha, mỗi anh được chia 700.000-800.000 đồng. “Tính ra, nếu bay đều đều thì cũng sống được”, anh Tèo hóm hỉnh nói.

Hai anh Tèo và Cường nhẹ nhàng đưa máy bay từ trên xe máy xuống đặt ở góc bờ ruộng, rồi lắp đặt 6 cánh máy bay vào đúng vị trí. Khi xong, 2 anh bắt tay vào pha thuốc trừ sâu đã được người chủ ruộng đem đến trước đó. Chỉ một loáng dung dịch thuốc đã được pha chế và đổ vào bình chứa trên chiếc T20.

Bấy giờ tôi mới rõ vì sao máy bay này có hiệu là T20, đơn giản là mỗi lần cất cánh nó mang theo được 20 lít dung dịch thuốc trừ sâu để phun. Trong khi 2 anh Tèo và Cường lo chuẩn bị “phần cứng” cho chuyến bay thì anh Xem ngồi cạnh đó tập trung thiết lập đường bay trên màn hình vi tính.

a
Nông dân vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) điều khiển máy bay T20 phun thuốc  trừ sâu

Vừa làm việc, anh Xem vừa giải thích: “Tèo và Cường cũng có thể làm được chuyện này nếu không có tôi. Công việc phải làm là lấy tọa độ của thửa ruộng cần phun thuốc; nếu thửa ruộng vuông chỉ cần lấy tọa độ 4 góc ruộng là đủ. Nếu đám ruộng không vuông thì chọn tọa độ ở các góc. Sau đó, phần mềm vi tính vẽ đường bay cho máy bay và chiếc T20 sẽ làm việc tự động theo chương trình đã được lập, chúng tôi chỉ can thiệp khi cần thiết. Máy bay bay cách mặt ruộng 3m và phun thuốc trên hành lang rộng 3m, đến cuối “đường băng” chiếc T20 tự động quay lại và phun tiếp hành lang liền kề cho tới khi hết thửa ruộng, máy bay tự động quay về nơi xuất phát”.

Vậy là đã hiểu vì sao giữa cánh đồng 4 bề tối đen như mực, chiếc máy bay vẫn phun thuốc trừ sâu một cách chính xác.

Tôi thắc mắc sao không lấy tọa độ của đám ruộng sắp phun thuốc, thì được anh Tèo giải thích: “Chỉ những đám ruộng mới phun thuốc lần đầu mới lấy tọa độ các góc ruộng. Những lần phun sau, tọa độ của đám ruộng đã được lưu trong máy, chỉ xem xét hướng gió để thiết lập đường bay cho phù hợp”.

Sau khi mọi việc chuẩn bị xong, anh Xem nhấn nút, các cánh quạt quay nhanh phát tiếng kêu “xè, xè” và chiếc T20 cất cánh bay mất hút vào bóng đêm, đèn hiệu trên máy bay lập lòe như ánh sáng đom đóm. Để bảo vệ sức khỏe, “đội bay” phải ngồi cách đám ruộng phun thuốc ít nhất 100m.

Triển vọng tương lai

Trong khi tôi bồn chồn lo lắng không biết chiếc T20 trị giá hơn nửa tỷ đồng đang mất hút trong bóng đêm liệu có quay về với chủ, thì anh Xem và 2 cộng sự bình thản ngồi hút thuốc. Như đọc được sự lo lắng của tôi, anh Xem nói đùa: “Chiếc T20 khi làm việc thì bay với tốc độ 65km/giờ, còn bay đường trường có thể đạt tốc độ 80km/giờ. Nếu nó chịu “đi lạc”, giờ này có thể đã bay tới thị trấn Vĩnh Hưng. Nhờ trời thương, nó chưa bay lạc bao giờ”.

Chưa từng bay lạc, nhưng gặp sự cố, thậm chí bị rơi khi đang bay là có. Như chiếc T30 cũng của anh Xem, mới bị rơi cách đây mấy hôm, bị gãy mất cánh quạt, phải thay với chi phí gần 10 triệu đồng. “Cũng may là nó rơi trên cạn chứ nếu rơi xuống sông rạch thì “lớn chuyện”, vì trên máy bay toàn thiết bị điện tử rất dễ hỏng”, anh Xem nói.

Khoảng 7 phút sau khi cất cánh (T20 phun hết bình thuốc, hơn 1ha ruộng), tôi nghe tiếng “xè xè” càng lúc càng rõ dần và chiếc T20 hạ cánh xuống đúng vị trí mà nó đã xuất phát. Hai anh Tèo và Cường nhanh nhẹn tiếp 20 lít thuốc trừ sâu đã pha sẵn, máy bay lại hối hả cất cánh. “Duyên cớ nào đưa các anh đến với nghề?”, tôi hỏi.

“Hiện nay, công việc đồng ruộng càng ngày càng thiếu công lao động vì phần nhiều thanh niên ra thành phố hoặc đi làm ở các khu công nghiệp. Gia đình tôi có 10ha ruộng, cách đây hơn 2 năm, tôi không mướn được người phun thuốc trừ sâu nên tự tay phải phun thuốc thủ công suốt mấy ngày, đến nỗi bị ngộ độc thuốc. Nghe nói bên Đồng Tháp có máy bay phun thuốc, tôi qua xem và học cách sử dụng. Sau đó về bàn với vợ đầu tư hơn nửa tỷ đồng để sắm chiếc T20 về phun thuốc ruộng nhà, vừa nhanh vừa giảm lượng thuốc đến 20%, hiệu quả trừ sâu cũng tốt hơn. Bà con trong vùng thấy hiệu quả, nên đã thuê phun thuốc giúp họ”, anh Xem kể.

Anh cho biết thêm, chẳng những chiếc T20 đã hoạt động hết công suất, mà anh còn vừa mua tiếp chiếc T30 công suất lớn hơn.

Không chỉ phun thuốc trừ sâu bằng máy bay, anh Xem đã “thí nghiệm” sạ lúa và rải phân bằng máy bay, kết quả đều rất tốt. Tuy nhiên, chi phí sạ bằng máy bay vẫn còn cao hơn so với sạ lúa và rải phân bằng thủ công. Vì vậy, các thiết bị chuyên dụng cho sạ lúa và rải phân bằng máy bay đang được anh Xem cho “đắp chiếu” chờ thời.

Trời sáng dần, những thửa ruộng cần bay đêm đã xong, “đội bay” ăn vội bữa sáng đem theo từ nhà và thu dọn đồ đạc lên xe để chạy tới những ruộng lúa cần bay ban ngày. Trên đường thấp thoáng những nông dân sạ lúa hoặc rải phân trên những thửa ruộng “thẳng cánh cò bay”. Tôi thầm nghĩ, với xu thế công lao động trên đồng ruộng ngày càng khan hiếm, tiền công tăng cao, không bao lâu nữa việc sạ lúa và rải phân cũng sẽ do máy bay làm. Đây cũng là xu thế của thời 4.0.

Anh Trương Văn Tý, cán bộ khuyến nông xã Tuyên Bình Tây, cho biết, trong xã đã có 4 hộ sắm máy bay phun thuốc trừ sâu, đủ sức đáp ứng cho hầu hết đồng ruộng trong xã. Còn ông Hồ Văn Bún, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng, nói, đã có khoảng 70% diện tích ruộng lúa trong huyện được phun thuốc trừ sâu bằng máy bay và đang tiếp tục tăng.

Theo sggp.org.vn
 






 

.
.
.