Những điểm mới cần biết trong Nghị định 38 về mức lương tối thiểu vùng
Nghị định 38/2022/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ 1/7 sẽ có nhiều điểm mới so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu theo tháng áp dụng trước 1/7, người lao động cần lưu ý.
Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN |
Đáp lại sự mong mỏi của người lao động suốt hai năm qua, ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP với nhiều sự thay đổi đáng chú ý liên quan đến lương tối thiểu vùng trong thời gian tới.
Lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ ngày 01/7/2022
Căn cứ Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu theo tháng áp dụng trước 01/7/2022 như sau:
“Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng...
1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.”
Từ 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng theo tháng của người lao động đã tăng lên so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
- Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng.
- Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng.
- Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng.
- Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng.
Như vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giữ nguyên như Dự thảo về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng tăng 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức hiện hành, bắt đầu từ 1/7/2022.
Lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ
Trước đây, mặc dù Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019 đều có đề cập đến việc xác định mức lương tối thiểu theo giờ, theo tháng nhưng các Nghị định quy định về mức lương tối thiểu vùng mới chỉ ấn định mức lương tối thiểu theo tháng chứ chưa quy định mức lương tối thiểu giờ.
Nghị định 38/2022/NĐ-CP là Nghị định đầu tiên ghi nhận về mức lương tối thiểu giờ.
Theo đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Mức lương tối thiểu giờ đã được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
- Vùng 1 là 22.500 đồng/giờ,
- Vùng 2 là 20.000 đồng/giờ,
- Vùng 3 là 17.500 đồng/giờ,
- Vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Điều chỉnh lại các địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng
Căn cứ Phụ lục ban hành kèm quy định về thay đổi danh mục địa bàn như sau:
- Điều chỉnh địa bàn từ Vùng 2 lên Vùng 1 đối với: Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.
- Điều chỉnh địa bàn từ Vùng 3 lên Vùng 2 đối với: các thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Hoà Bình và huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình; thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh; thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu; thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long.
- Điều chỉnh địa bàn từ Vùng 4 lên Vùng 3 đối với: các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh; các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Ngoài ra, do có sự điều chỉnh lại các địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng mà nhiều nơi được tăng lương tối thiểu vùng đến 760.000 đồng/tháng, cao hơn theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 tăng thêm từ 180.000 – 260.000 đồng/tháng.
Cụ thể, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, có một số thay đổi về địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022, đơn cử như:
- Từ vùng II lên vùng I: Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Với những địa bàn này, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng (tăng 760.000 đồng/tháng).
- Từ vùng III lên vùng II: Các thị xã Quảng Yên, Đông Triều (Quảng Ninh); Thành phố Hoà Bình, huyện Lương Sơn (Hòa Bình); thành phố Vinh, thị xã Cửa lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); thị xã Hòa Thành (Tây Ninh); thành phố Vĩnh Long; thị xã Bình Minh (Vĩnh Long); thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu).
Lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng (tăng 730.000 đồng/tháng).
- Từ vùng IV lên vùng III: Các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh); các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai (Nghệ An); huyện Mang Thít (Vĩnh Long); huyện Hòa Bình (Bạc Liêu);...
Lương tối thiểu vùng ở những địa bàn này sẽ tăng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng (tăng 570.000 đồng/tháng).
Như vậy, thay vì tăng trung bình từ 180.000 – 260.000 đồng/tháng thì nhiều nơi sẽ được tăng lương từ 570.000 – 760.000 đồng/tháng do có sự thay đổi về địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng.
Trên đây là một số điểm mới về mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/7/2022 mà người lao động cần biết.
Theo Báo Tổ Quốc