Thứ Tư, 26/10/2022, 15:35 (GMT+7)
.

Cải cách chính sách tiền lương: Cần lắm rồi!

Mức lương của công chức hiện nay thấp hơn mức lương tối thiểu, thì rõ ràng phải cải cách, phải điều chỉnh, do đó việc điều chỉnh tiền lương là thật sự cần thiết.
 

a
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đến thời điểm này đã chín muồi để cải cách chính sách tiền lương.

Đã chín muồi để cải cách chính sách tiền lương

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng việc cải cách chính sách tiền lương là thực sự cần thiết, người lao động đã mong chờ điều này từ lâu.

Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Về điều chỉnh chính sách tiền lương và cải cách chính sách tiền lương, "chúng ta mơ ước từ lâu rồi và đã ba lần lỗi hẹn với cán bộ công chức viên chức về cải cách chính sách tiền lương".

Năm 2018, Trung ương Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, và Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

"Người dân, người lao động rất hồ hởi, rất chờ đợi, nhưng như tôi nói chúng ta đã "3 lần lỗi hẹn" rồi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại, theo dự kiến, sẽ thực hiện trong năm 2021, nhưng vì dịch, nên tạm dừng.

"Đến thời điểm này đã chín muồi để cải cách chính sách tiền lương. Người lao động mong chờ điều này từ lâu rồi.

Nếu cải cách chính sách tiền lương theo như lộ trình Nghị quyết 27 thì cần khoảng 248 nghìn tỷ đồng.

Vì chúng ta cân đối nhiều chiều, nhiều cân đối khác nhau, do đó điều chỉnh mức lương cơ sở, theo tôi đây là giải pháp có thể chấp nhận được trong giai đoạn hiện nay", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điều chỉnh tiền lương là thực sự cần thiết

Cho rằng cải cách tiền lương người lao động "cần lắm rồi", Bộ trưởng nêu thực tế, kỹ sư ra trường lương khởi điểm 3,5 triệu đồng, viên chức 2,2 triệu đồng, trong khi đó mức lương tối thiểu vùng thấp nhất cũng đã 3,6 triệu và vừa qua điều chỉnh đã lên 4,2 triệu.

"Thu nhập bình quân theo sự khảo sát của chúng tôi tại TPHCM bình quân để một người dân của TP sống được là 6,5 triệu, trong khi kỹ sư ra trường chỉ 3,5 triệu đồng thì sống thế nào, chưa kể còn gia đình, con cái…

Mức lương của công chức hiện nay thấp hơn mức lương tối thiểu, thì rõ ràng phải cải cách, phải điều chỉnh", do đó Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định "việc điều chỉnh này theo tôi là thật sự cần thiết rồi".

Đi liền với nó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ngoài điều chỉnh mức lương cơ cở, thì còn các đối tượng khác. Có 3 đối tượng kèm theo, gồm: Hưu trí, (trong số này có 2 đối tượng người nghỉ hưu trước 1/1/2022 và nghỉ hưu trước 1995); lực lượng thứ 2 là khoảng 2,3 triệu người nghỉ hưu được hưởng từ bảo hiểm xã hội; và thứ 3 là Người có công và các lực lượng khác.

Không cải cách chính sách tiền lương doanh nghiệp sẽ kìm hãm sự phát triển

Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, còn một đối tượng nữa trong báo cáo không nhắc đến, đó là cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp.

Hiện nay khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước đang sử dụng chủ yếu là lương tối thiểu vùng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, "nếu không cải cách chính sách tiền lương doanh nghiệp thì sẽ kìm hãm sự phát triển".

3 năm qua, Bộ LĐTBXH đã làm thí điểm ở 3 Tập đoàn, kết quả cho thấy hoàn toàn chín muồi để thực hiện, vì thế theo Bộ trưởng, ông nêu ý kiến để Quốc hội xem xét vấn đề này.

"Vì cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp không ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, mà lại giải phóng được sự phát triển cho doanh nghiệp, thì tại sao chúng ta lại không làm", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.

Cứ đời sống thế này, giáo viên mầm non bỏ việc hết!

Về phụ cấp cho nhân viên y tế và giáo dục, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định hoàn toàn ủng hộ và cần làm sớm có phụ cấp cho nhân viên y tế ở khối y tế dự phòng và y tế cơ sở.

"Còn các đối tượng y tế ở các bệnh viện lớn, bệnh viên công thì không nhất thiết vì có thể dùng Nghị định 56, Nghị định 60 về "tính đúng, tính đủ" là lo được rồi. Chỉ dùng ngân sách để hỗ trợ cho y tế dự phòng, và y tế cơ sở", Bộ trưởng nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự trăn trở đối với giáo viên mần non, giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở.

"Đây là những đối tượng tôi đề nghị quan tâm hơn và phải làm sớm hơn, làm nhanh hơn và thậm chí là mức cao hơn cho họ.

Đây là vấn đề nhức nhối lắm, ngoài việc thiếu giáo viên, rồi đời sống khó khăn, nếu không cứ đời sống thế này, giáo viên mầm non bỏ việc hết", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo baochinhphu.vn



 

.
.
.