.
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH GIAI ĐOẠN 2016 - 2025:

6 năm nỗ lực kéo giảm tỷ số giới tính khi sinh

Cập nhật: 09:09, 22/12/2022 (GMT+7)

Bác sĩ Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) là số bé trai sinh ra sống/100 bé gái sinh ra sống trong một khoảng thời gian và một địa bàn nhất định. Phần lớn các quốc gia trên thế giới có TSGTKS dao động ở mức 104 - 106 bé trai/100 bé gái. MCBGTKS là khi số bé trai /100 bé gái lớn hơn 107”.

HỆ LỤY CỦA MCBGTKS TẠI VIỆT NAM

Tại Việt Nam, MCBGTKS bắt đầu tăng từ năm 1979 và tăng nhanh từ năm 2006. Kết quả điều tra năm 2011 cho thấy, có sự khác biệt về MCBGTKS chia theo các vùng kinh tế - xã hội. Đồng bằng sông Hồng là vùng TSGTKS cao nhất (122,4 bé trai/100 bé gái), kế đến là Đồng bằng sông Cửu Long (114,9 bé trai/100 bé gái). Sự gia tăng bất thường về TSGTKS của Việt Nam trong những năm gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập chính sách, các cơ quan thông tin đại chúng cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Gia tăng TSGTKS dẫn đến các hệ lụy khó lường về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh trật tự. Dư thừa nam giới, thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn dẫn đến tan vỡ cấu trúc gia đình truyền thống; số lượng và tỷ lệ nam giới không có khả năng kết hôn tăng; khả năng “nhập khẩu cô dâu” khó khả thi. Gia tăng bất bình đẳng giới, phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao và bạo hành giới. Số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, Hàn Quốc… ngày càng tăng. Phụ nữ lấy chồng nước ngoài và đến sinh sống tại nơi mà họ không biết về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống và không biết ngôn ngữ đã đặt họ trước những nguy cơ cao về cô lập, bạo lực và lạm dụng.

Tiền Giang có nhiều nỗ lực kéo giảm TSGTKS với 10 tháng năm 2022 là 108,03 bé trai/100 bé gái thấp hơn so với  chỉ tiêu của Tổng cục DS-KHHGĐ đề ra. 	Ảnh: H.LÊ
Tiền Giang có nhiều nỗ lực kéo giảm TSGTKS với 10 tháng năm 2022 là 108,03 bé trai/100 bé gái thấp hơn so với chỉ tiêu của Tổng cục DS-KHHGĐ đề ra. Ảnh: H.LÊ

Tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không thể tìm được bạn đời. Một giải pháp tình thế được một số nước đang áp dụng, đó là kết hôn với người nước ngoài (còn gọi là “nhập khẩu cô dâu”), nhưng xem ra khó bền vững. Việc gia tăng TSGTKS không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ, mà thậm chí còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới, như: Nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ sẽ gia tăng…

Vì thế, TSGTKS được coi là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ bình đẳng giới. Sự chênh lệch con số tuyệt đối giữa nam và nữ ở Việt Nam vào năm 2050 sẽ khoảng từ 2,3 - 4,3 triệu người theo các phương án nêu trên. Nếu không có sự can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng MCBGTKS thì TSGTKS ở nước ta có thể tiếp tục tăng và tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến năm 2050.

GIẢI PHÁP CAN THIỆP

Việt Nam có quyết tâm can thiệp để làm giảm tình trạng MCBGTKS, thể hiện trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt mục tiêu TSGTKS không vượt quá 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2015 và 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020. Chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm MCBGTKS; xử lý nghiêm các thực hành lựa chọn giới tính thai nhi.

Tăng cường công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái là một trong các giải pháp then chốt giúp giải quyết vấn đề MCBGTKS. Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi: Nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến phương pháp chọn lọc giới tính thai nhi dưới các hình thức; nghiêm cấm chẩn đoán giới tính thai nhi; nghiêm cấm loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính… đã được quy định rõ ràng, việc lựa chọn giới tính thai nhi và nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính là bất hợp pháp.

Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế. Các giải pháp, hoạt động nhằm can thiệp giảm thiểu cân bằng giới tính khi sinh và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về giảm thiểu MCBGTKS đã được ban hành.

Bác sĩ Nguyễn Thành Sang cho biết, TSGTKS của Tiền Giang thấp hơn TSGTKS của cả nước (trừ năm 2009). TSGTKS của Tiền Giang tăng liên tục 4 năm, từ năm 2010 đến năm 2013; sau vài năm can thiệp, giai đoạn 2014 - 2016, TSGTKS có xu hướng không tăng. Tuy nhiên, để TSGTKS giảm trong những năm tiếp theo, cần có thời gian; đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, can thiệp để làm giảm MCBGTKS.

Tháng 11-2016, UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025 (gọi tắt là Đề án) trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện kế hoạch này, ngành DS-KHHGĐ tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên. Với Đề án này, tỉnh quyết tâm kéo giảm tốc độ gia tăng TSGTKS, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt dưới mức 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, đạt 107 bé trai/100 bé gái sau năm 2025 và đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên (103 - 107 bé trai/100 bé gái).

Sau 6 năm thực hiện Đề án, các cấp, các ngành có liên quan đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Với nỗ lực đó, TSGTKS hằng năm của Tiền Giang đang được kềm chế và từng bước kéo giảm. Số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tiền Giang, năm 2021, TSGTKS của tỉnh là 107,83 bé trai/100 bé gái; 10 tháng năm 2022 là 108,03 bé trai/100 bé gái (10.242 bé trai/9.481 bé gái), thấp hơn so với chỉ tiêu của Tổng cục DS-KHHGĐ đề ra. Đây là một nỗ lực rất lớn của tỉnh, đã được trung ương đánh giá cao.

MAI HÀ

.
.
.