Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: "Nhiều khi vì dân, có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc"
"Lúc đó, kit test, vaccine về, Bộ trưởng Bộ Y tế tới nhận nhưng không được. Thứ trưởng Công an, Bệnh viện Chợ Rẫy lên nhận cũng không được. Khi ấy, tôi phải gọi cho Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nói "Tôi sẽ chịu trách nhiệm"...", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kể lại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC |
Sáng ngày 9-1, ngày cuối cùng của kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) |
Phát biểu tại hội trường, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ nhất trí với các nội dung điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nhận định, việc điều chỉnh và bổ sung này là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đồng tình về sự cần thiết điều chỉnh như Chính phủ trình, song ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý, Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu tình trạng một số địa phương vay dư vốn, phải trả lại; trong khi lại có những địa phương thiếu vốn vay.
“Cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhận xét: "Nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc “gác cửa” vậy là chưa nghiêm" |
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng băn khoăn liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện chi các dự án đó hay chưa, liệu các năm sau có tiến hành điều chỉnh tiếp và như thế có phải là hiện tượng lách luật không?
“Nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc “gác cửa” vậy là chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được”, ĐB thẳng thắn nhận định và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này, cùng với giải pháp khắc phục.
Phản hồi ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước, do các tổ chức nước ngoài tài trợ khi có những vấn đề nổi lên, thường là bất thường và nhỏ lẻ.
“Vì vậy, chúng ta bị động trong việc lập dự toán, mà phải căn cứ trên báo cáo của các bộ, ngành để thực hiện lập dự toán”, người đứng đầu ngành tài chính giải trình.
Giải trình ý kiến về bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, thực tế những khoản này đã chi, ông Phớc cho hay, khoản viện trợ nước ngoài là khoản không có dự toán trước, vì phụ thuộc nước ngoài. Thường khi có biến động, các tổ chức mới tài trợ và thông báo, lúc đó bộ mới thông báo cho địa phương; hoặc các khoản viện trợ này họ tài trợ trực tiếp các địa phương. Vì thế, các khoản tài trợ này thường nhỏ lẻ, bất thường và không có dự toán từ trước. Vì vậy, chúng ta bị động trong lập dự toán, và căn cứ vào báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì Bộ Tài chính mới tổng hợp được, ông Phớc nêu.
Đặc thù năm 2021 - 2022, các khoản này chủ yếu là tài trợ phòng chống dịch, như kit test, vaccine và tài trợ trực tiếp địa phương (TPHCM, Hà Nội…), các địa phương tiếp nhận phục vụ chống dịch rồi thì mới tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính.
“Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc”, Bộ trưởng Tài chính trần tình.
Ông nêu thực tế, thời điểm đỉnh dịch tại TPHCM, lúc này thiệt hại nhiều về người. Theo quy định của luật pháp, phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục thì Tổng cục Hải quan mới được cho xuất hàng, thông quan.
“Lúc đó, kit test, vaccine về, nhà tài trợ thông báo và Bộ trưởng Bộ Y tế tới nhận nhưng Cục Hải quan TPHCM không cho nhận. Thứ trưởng Công an lên nhận, Bệnh viện Chợ Rẫy lên nhận cũng không được. Khi ấy, tôi phải gọi cho Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nói “Tôi sẽ chịu trách nhiệm, phải cho ban chỉ đạo chống dịch nhận vaccine, kit test”, nhưng vị này cũng không đồng ý cho xuất hàng. Lúc đó, tôi yêu cầu nếu không cho xuất hàng thì trả chức lại cho bộ và tự chịu trách nhiệm. Khi ấy, Cục Hải quan TPHCM mới đồng ý”.
Có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho xuất trước, hoàn thành thủ tục sau. Nhưng có rủi ro, hàng cho xuất đi rồi mà sau này quyết toán không đầy đủ thì sẽ bị truy trách nhiệm. Trường hợp này may là sau này tập hợp hồ sơ, đầy đủ.
Người đứng đầu ngành tài chính tha thiết: “Mong đại biểu thấu hiểu, chúng tôi luôn chủ động trong phạm vi của mình, còn những tình huống, hoàn cảnh chưa dự báo được thì phải hết sức “sáng tạo” trong bối cảnh như vậy".
Về vấn đề điều chỉnh dự toán vay nước ngoài mà ĐB Phạm Văn Hoà nêu, ông Phớc giải trình, việc điều chỉnh dự toán không thể không đưa sang năm 2023, vì ảnh hưởng bội chi. Bởi, việc điều chỉnh dự toán vay nước ngoài này đảm bảo tổng dự toán Quốc hội phê chuẩn không thay đổi, chúng ta có chính sách vay và cho vay lại. Ví dụ, các tỉnh Tây Bắc có thể vay lại 10-20%, còn lại ngân sách trung ương đảm bảo. Ngoài hạn mức này thì sẽ không triển khai được, nên vừa rồi có một số địa phương triển khai không hết xin trả lại, cũng có tỉnh triển khai hết, nhưng lại còn khối lượng muốn giải ngân nên muốn xin thêm để triển khai.
Trên cơ sở đề nghị các địa phương, bộ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, tạo thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Theo sggp.org.vn