.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng lớn trong văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII

Cập nhật: 15:27, 04/03/2023 (GMT+7)

Qua nghiên cứu Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng chí Trần Văn Tấn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã có nhiều ý kiến góp ý.

Theo đồng chí Trần Văn Tấn, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thể chế các định hướng lớn trong văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt, Dự án Luật đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết 18 ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Bên cạnh dự án Luật đã luật hóa 25 Nghị định của Chính phủ, 35 Thông tư của các Bộ, ngành đã thực hiện trong thời gian qua nhằm thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Qua nghiên cứu Luật Đất đai (sửa đổi), đồng chí Trần Văn Tấn có một số góp ý, cụ thể: Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu các công trình công cộng được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 với quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 10 để liệt kê cho đầy đủ và quy định rõ trách nhiệm của tổ chức được giao.

Tại điểm c, khoản 2, Điều 10 đã quy định khá đầy đủ về các loại đất, nhưng chưa đề cập đến đất công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước mưa và nước thải (gồm công trình đầu mối, công trình phụ trợ và mạng lưới…). Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các loại đất kể trên, đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các công trình được quy định tại điểm c, khoản 2 Điều này.

Liên quan tới quy định “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp Quốc gia” tại Điều 63 và “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” tại Điều 64, theo dự án Luật có “đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp” (Điều 194) và “đất sử dụng cho khu công nghệ cao” (Điều 195) nhưng về “quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp Quốc gia” bao gồm quy hoạch đất khu công nghiệp, khu chế xuất (điểm b, khoản 2, Điều 63) và “quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” chỉ quy định quy hoạch đất cụm công nghiệp (điểm b, khoản 2, Điều 64). Vì vậy, “đất khu công nghệ cao” chưa có quy định cụ thể cấp có thẩm quyền quy hoạch, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại quy định tại Điều 63, Điều 64 bổ sung quy định “đất khu công nghệ cao”.

Cùng với đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, thể hiện lại quy định tại một số điều để đảm bảo dự án Luật có sự quy định thống nhất. Cụ thể, điểm đ, khoản 2, Điều 10 về phân loại đất phi nông nghiệp bao gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất. Điểm c, khoản 1, Điều 30 quy định quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Khoản 3, Điều 36 chỉ quy định sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất. Khoản 3, Điều 90 lại quy định sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Điểm b, khoản 2, Điều 120 quy định sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…

Đề nghị quy định thời gian chậm tiến độ tại điểm i, khoản 1, Điều 80 là không quá 36 tháng so với tiến độ trong dự án đầu tư thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường, để bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả và hạn chế nhà đầu tư không đủ năng lực, đấu giá cao… nhưng thực hiện chậm tiến độ.

Khoản 2, Điều 83 quy định trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết hạn thông báo thu hồi đất. Đề nghị bổ sung quy định “đồng ý bằng văn bản” nhằm tránh khiếu nại trong quá trình tổ chức thực hiện thu hồi đất.

Quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 106 hạ tầng xã hội: Đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại, dịch vụ là chưa thể hiện quan điểm của Đảng về “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Vì vậy đề nghị bổ sung những hạ tầng xã hội cần thiết khác như khu thể dục, thể thao, vui chơi giải trí công cộng.

Về “hạn mức giao đất nông nghiệp” quy định ở Điều 170, thống nhất với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này quy định chủ thể quyền sử dụng đất là cá nhân nhằm thực hiện đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được rõ ràng, minh bạch trong mọi quan hệ dân sự có liên quan đến đất đai.

Nhưng tại khoản 7 quy định: “Đối với diện tích đất nông nghiệp của cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân”. Đề nghị xem lại quy định “hộ gia đình” tại khoản này vì tất cả các khoản (8 khoản) trong Điều này đều quy định “cá nhân”.

Về quy định tại khoản 1, Điều 225 đề nghị dự án Luật quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan Tòa án yêu cầu, UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Nếu không thực hiện được yêu cầu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

CAO THẮNG (lược ghi)

.
.
.