.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Cập nhật: 10:31, 05/05/2023 (GMT+7)

Internet phát triển mạnh mẽ đã mang lại nhiều tiện ích phục vụ việc tra cứu thông tin và học tập của trẻ em. Song, bên cạnh những lợi ích cũng không ít “cạm bẫy”, rủi ro trên mạng xã hội khiến trẻ dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách, phát triển tư duy, đạo đức của trẻ.

NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC  

 Không thể phủ nhận lợi ích của việc sử dụng internet qua các thiết bị thông minh khiến trẻ em ngày nay có thể mở rộng kết nối bạn bè, tìm kiếm nội dung học tập, kỹ năng sống hay vui chơi giải trí. Nhiều trẻ lên 3, 4 tuổi đã có thể sử dụng những từ, câu cơ bản của tiếng Anh thông qua việc xem, tự học từ các clip tiếng Anh trên mạng. Các em học sinh có thể tham khảo các bài văn mẫu, tìm các đề luyện tập qua mạng. Nhưng trên không gian mạng không chỉ tồn tại những điều tốt đẹp. Nó chứa đựng tất cả những thông tin từ tốt đến xấu.

Cần có nhiều hoạt động bổ ích để bảo vệ trẻ khỏi môi trường mạng (trong ảnh: trẻ em tham gia tô tượng, vẽ tranh cát,  tranh đất sét Nhật tại Hội Hoa đăng diễn ra tại TP. Mỹ Tho).                                                                                                               Ảnh: Lý Oanh
Cần có nhiều hoạt động bổ ích để bảo vệ trẻ khỏi môi trường mạng (trong ảnh: trẻ em tham gia tô tượng, vẽ tranh cát, tranh đất sét Nhật tại Hội Hoa đăng diễn ra tại TP. Mỹ Tho). Ảnh: Lý Oanh

Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những “hiện tượng mạng” thường xuyên quay clip, livestream những nội dung thiếu tính giáo dục, phản cảm; đến những hình ảnh bạo lực, video chửi bới phản cảm của các đối tượng giang hồ, “thánh” chửi được đưa lên mạng thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi, bình luận, trong đó phần lớn là trẻ em.

Đáng lo ngại, những clip có nội dung nhảm nhí, vô bổ, thậm chí những clip nguy hiểm như hướng dẫn tự sát được tung lên mạng mà bất cứ ai, kể cả trẻ em cũng có thể tìm kiếm và xem dễ dàng. Điều này, cho thấy những mối nguy hiểm khôn lường với trẻ nhỏ nếu phụ huynh không cảnh giác và không đủ quan tâm đến trẻ.

Sử dụng mạng xã hội, thiết bị thông minh thường xuyên không chỉ khiến trẻ có nguy cơ tiếp xúc với hàng loạt thông tin xấu độc, mà còn có nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, bị gạ gẫm, quấy rối, thậm chí nghiện game, bỏ học, trộm cắp, sa vào các tệ nạn xã hội. Nhiều trường hợp từ nghiện game đã trở thành tội phạm do trộm cắp, lừa đảo, hơn thế là đánh chém giết người do ảo giác từ các nhân vật trong game… Nguy hại từ mạng xã hội gây ra rất lớn, nó không chỉ ảnh hưởng nhất thời, ảnh hưởng trước mắt đến một mặt cụ thể nào đó, mà còn ảnh hưởng toàn diện, lâu dài đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển nhân cách, đạo đức của trẻ em.

CHUNG TAY BẢO VỆ TRẺ EM

Nhận thức được những nguy hại của môi trường mạng đối với trẻ em, thời gian qua, đã có không ít văn bản,   luật liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cụ thể, Điều 54 Luật Trẻ em quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nêu rõ: các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng...

Điều 35 Nghị định 56 ngày 29-5-2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em; phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Hành lang pháp lý đã có, thậm chí quy định xử phạt về việc sử dụng, cung cấp, chia sẻ thông tin xấu, độc trên môi trường không gian mạng cũng được ban hành tương đối nghiêm khắc. Cụ thể, theo Điều 101 Nghị định 15 ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định những hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn... sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Bên cạnh đó, vào ngày 1-6-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Quyết định 830 phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của chương trình là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Chương trình cũng đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Chương trình sẽ thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ đây.Ngoài ra, chương trình còn đặt mục tiêu hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình có tính liên ngành cao khi có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an. Chương trình cũng nhận được sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí cũng tham gia, triển khai.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều video đăng tải trên mạng xã hội ảnh hưởng đến trẻ em; nhiều hoạt động lừa đảo, dụ dỗ trẻ em qua mạng vẫn còn xảy ra. Thiết nghĩ, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Toàn xã hội cần lên tiếng tố giác, tẩy chay những nội dung, thông tin xấu độc. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát và triệt xóa những nội dung thông tin xấu độc; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm.

Riêng đối với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng Internet không lành mạnh; cách sử dụng thông tin trên mạng hiệu quả; cách nhận biết dấu hiệu bị xâm hại, lạm dụng trên mạng xã hội cho học sinh. Cha mẹ cần quan tâm, quản lý, giám sát và hướng dẫn trẻ sử dụng Internet, mạng xã hội; tăng cường trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, giúp trẻ tự hiểu được những tác hại trên không gian mạng, từ đó tạo lá chắn phòng, chống hữu hiệu.

HỮU NGHỊ

.
.
.