Bảo hiểm xã hội Tiền Giang: Chuyển đổi số hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành để phục vụ tốt nhất quyền lợi của DN, người dân khi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc chuyển đổi số đã trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực BHXH, BHYT, hoạt động chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả của dịch vụ.
HIỆU QUẢ TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Viên chức BHXH huyện Gò Công Tây hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số. |
Tại tỉnh Tiền Giang đã triển khai hệ thống quản lý thông tin BHXH, BHYT trực tuyến, cho phép các cơ sở y tế, bệnh nhân và BHXH truy cập, chia sẻ thông tin một cách dễ dàng.
Việc áp dụng CNTT và chuyển đổi số đã giúp tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tính chính xác và nhanh chóng trong xử lý thông tin liên quan đến BHXH, BHYT.
Theo BHXH tỉnh, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số một cách đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn, BHXH tỉnh đã tổ chức quán triệt đến viên chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo các kế hoạch của BHXH Việt Nam.
Tất cả các viên chức phụ trách bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã thực hiện số hóa tất cả hồ sơ tiếp nhận phục vụ tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, trong tháng số hóa được 7.975 hồ sơ, lũy kế đến nay đã số hóa 131.582 hồ sơ.
Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế triển khai sử dụng Căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Kết quả 213/213 cơ sở KCB đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 100% với số lượng đã tra cứu 1.423.409 trường hợp, trong đó tra cứu thành công 882.477 trường hợp.
Từ ngày 1-7-2023, BHXH tỉnh Tiền Giang triển khai ứng dụng 2 nhóm thủ tục hành chính: “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng”. Việc triển khai này nhằm giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, chỉ cần thực hiện 1 lần nhưng có thể giải quyết được 3 thủ tục hành chính kèm theo. Đồng thời, giúp cơ quan nhà nước, đặc biệt ngành BHXH Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT như giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính. |
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp Sở Y tế triển khai liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử điện tử đến các cơ sở KCB. Qua triển khai, đã có 17 cơ sở KCB đã thực hiện liên thông với 4.354 Giấy khám sức khỏe lái xe, 2.487 Giấy chứng sinh và 32 Giấy báo tử.
BHXH tỉnh thường xuyên tiến hành trích lọc dữ liệu quản lý, cập nhật số định danh cá nhân, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống" góp phần hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, BHXH đã cập nhật 1.468.158 số định danh cá nhân/CCCD trên dữ liệu quản lý, trong đó đã xác thực với CSDL quốc gia về dân cư là 1.450.051 số định danh cá nhân/CCCD, đạt tỷ lệ 95%, chưa xác thực là 80.540 do sai thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh hoặc chưa có trong CSDL quốc gia về dân cư.
Đồng thời, triển khai việc đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam và cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số. Đến nay, BHXH tỉnh đã tiếp nhận 296.925 lượt đăng ký tài khoản, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID.
Qua ứng dụng VssID, để tạo thuận lợi cho người dân trong việc kiểm tra, rà soát quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHXH tỉnh đã triển khai hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số trên thiết bị thông minh.
Đặc biệt, hệ thống mạng WAN đã được kết nối liên thông từ BHXH Việt Nam đến BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã, thành phố; đã trang bị hệ thống cân bằng tải, giúp tăng băng thông mạng, đáp ứng được yêu cầu truy cập, xử lý các phần mềm nghiệp vụ.
Hệ thống mạng được cấu hình theo mô hình của BHXH Việt Nam, đảm bảo tốc độ về đường truyền cho việc kết nối vào các phần mềm nghiệp vụ, hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Hệ thống máy chủ, máy trạm, các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, phần mềm diệt vi rút McAfee, Kaspersky quản lý tập trung từ trung ương đến địa phương. Triển khai sử dụng chữ ký số điện tử trong việc xác thực các văn bản, giấy tờ, thủ tục hành chính.
Lãnh đạo BHXH tỉnh được trang bị chữ ký số và SIM PKI để xác thực các văn bản điện tử ở bất cứ đâu có kết nối mạng Internet. Lãnh đạo cấp phòng, huyện và Kế toán trưởng tại Văn phòng BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố được trang bị chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. Tất cả viên chức và người lao động làm chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị được BHXH Việt Nam cấp chữ ký số chuyên dùng của ngành BHXH để thực hiện ký số trong công việc nghiệp vụ.
Ngoài ra, BHXH tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ với cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh liên thông, kết nối dữ liệu KCB tại các cơ sở KCB đạt tỷ lệ 100%, góp phần công khai minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng các chế độ về BHYT.
Tăng cường triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chi trả chế độ BHXH, BHTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người hưởng nhận tiền các chế độ BHXH được thuận lợi và nhanh chóng.
BHXH tỉnh cũng đã tập huấn và hướng dẫn về các thủ tục, thao tác trên phần mềm hỗ trợ kê khai để thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử cho 100% đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn trong tất cả các lĩnh vực như thu, cấp sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.722 đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có 3.320 đơn vị đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử. Đối với đơn vị đủ điều kiện giao dịch điện tử, toàn tỉnh có 3.316/3.320 đơn vị đạt 99,88% (trong đó khối DN đạt 99,8% (2.100/2.104 DN).
TẬP TRUNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Theo BHXH tỉnh, hiện vẫn còn một số khó khăn trong thực hiện ứng dụng chuyển đổi số như các trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi liên thông dữ liệu Bộ Tư pháp để cấp thẻ BHYT, đã có số định danh cá nhân (ĐDCN) nhưng không tồn tại trong CSDL quốc gia về dân cư nên không thể xác thực được.
Việc người dân thực hiện dịch vụ công (DVC) gia hạn thẻ BHYT có giảm trừ còn gặp nhiều khó khăn cho khu vực nông thôn như không có đường truyền, máy tính hoặc các thiết bị di động và trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế.
Bên cạnh đó, quy trình giải quyết hưởng BHXH 1 lần áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp trên thiết bị di động theo Quyết định 422 ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục DVC trực tuyến tích hợp.
Do chưa được tích hợp ký số trên thiết bị di động nên người lao động chưa thể ký số trên hồ sơ. Một số cơ sở KCB BHYT chưa trang bị đầu đọc QR Code đúng tiêu chuẩn nên không đọc được CCCD/ĐDCN của người tham gia, còn yêu cầu sử dụng thẻ BHYT để KCB, từ đó gây khó khăn trong công tác tuyên truyền.
Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành chỉ triển khai trong các cơ quan nhà nước. Vì vậy, việc gửi văn bản đến các DN trên địa bàn còn phải thực hiện gửi văn bản giấy qua các dịch vụ bưu chính, mất nhiều thời gian và đã phát sinh tình trạng chậm trễ, thất lạc.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Võ Oanh Liệt cho biết, để giải quyết những hạn chế còn tồn tại, BHXH tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nhiều hơn với CNTT; tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng CNTT sẵn sàng để thực hiện tốt 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.
Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan tích hợp chữ ký số trên thiết bị di động cho người dân phục vụ cho việc thực hiện các DVC theo Quyết định 06 và Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho các DN trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi trong việc gửi văn bản điện tử được nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, kiến nghị Sở Y tế trang bị đầu đọc mã QR trên CCCD cho các cơ sở KCB tạo thuận lợi trong tiếp nhận bệnh BHYT.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở KCB không yêu cầu người bệnh photo thẻ BHYT khi đã tiếp nhận bệnh bằng CCCD gắn chip.
Để tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, ngành BHXH sẽ phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, CNTT trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng phục vụ DN và nhân dân trong thời gian tới.
Có thể nói, việc triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số của ngành BHXH đã tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình giao dịch với cơ quan BHXH, tạo dựng hình ảnh ngành BHXH “chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả” từng bước đáp ứng sự hài lòng của người dân và DN.
Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh, từng bước cụ thể hóa mục tiêu chính quyền số - kinh tế số và xã hội số tại Tiền Giang.
HOÀI THU