Nghị lực vượt khó của người thương binh nhiễm chất độc da cam
Hư một bên mắt, đôi tay bị cụt quá nửa, nhưng với nghị lực vượt khó của mình, ông Lê Văn Chạy (sinh năm 1953, ở ấp Quý Thạnh, xã Tân Hội, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), thương binh hạng 1/4 đặc biệt, luôn tự lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Cuối năm 1965, vừa qua tuổi 13, ông Chạy đi theo các anh bộ đội tham gia làm việc tại công binh xưởng chế tạo vũ khí ở xã Mỹ Lợi, huyện Cái Bè, nhiệm vụ chính của ông là cùng các anh trong công binh xưởng chế tạo lựu đạn phục vụ cho chiến trường. Tháng 11-1968, trong khi gỡ lựu đạn đã gài sau trận càn của địch vào xã Mỹ Lợi, không may lựu đạn phát nổ, ông thoát chết nhưng một bên mắt bị mảnh đạn ghim vào, hư hoàn toàn, còn đôi tay bị thương quá nặng, phải cắt trên khuỷu tay.
Ông Chạy rót nước bằng đôi tay cụt của mình. |
Ông Chạy nhớ lại: “Được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, đưa ra Bắc điều trị nhưng vẫn không thể giữ lại đôi tay. Gần 3 năm, cảm giác hụt hẫng khi mất một bên mắt và đôi tay cứ luôn ám ảnh tôi cả trong giấc ngủ. Nhưng tôi lại tự nhủ “còn sống là còn tương lai”, nếu không thử thì làm sao biết được mình còn có thể làm được những gì. Để có thể sử dụng đôi tay như một người bình thường là điều không thể, nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, trước khi làm việc gì đó phải suy nghĩ, tính toán để tìm ra cách giải quyết, từ đó tôi tập làm mọi thứ với đôi tay bị cụt của mình”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, ông Chạy trở về quê sinh sống. Với tinh thần và ý chí vượt khó của mình, ông bắt đầu với cuộc sống mới. Là con út của gia đình có 7 anh em, khi anh chị đều lập gia đình và ra riêng, ông Chạy vừa phụ giúp cha mẹ già với 10 công ruộng, vừa đi vác lúa mướn để kiếm thêm thu nhập.
Ông chia sẻ: “Mặc dù được hưởng các khoản trợ cấp, nhưng tôi luôn đặt ra những mục tiêu để bản thân phải nỗ lực lao động vươn lên. Ban đầu, làm công việc vác lúa mướn, tôi nhờ anh em đưa bao lúa lên vai, nhưng sau đó tôi tự tập một mình đưa bao lúa, bao phân lên vai để vác đi. Không chỉ vậy, dần dần tôi còn tự tập cầm cuốc, cầm dao để làm cỏ, kể cả chuyện cầm chổi quét sân, quét nhà… cũng trở nên quen thuộc”.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Tân Hội Nguyễn Văn Hồi cho biết: “Dù là một thương binh, là nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhưng ông Lê Văn Chạy luôn nêu gương trong các phong trào, tuyên truyền vận động hội viên cựu chiến binh và nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Chạy là tấm gương sáng về người thương binh “tàn nhưng không phế” trong thời bình đáng khâm phục và học tập”. |
Cảm mến trước nghị lực vượt khó, lúc bấy giờ, ông Chạy được cô thôn nữ cùng quê đem lòng yêu thương và tình nguyện gắn bó cuộc đời với người thương binh nặng này. Hai vợ chồng ông Chạy động viên nhau vượt qua quãng thời gian khổ cực, cố gắng làm lụng, trồng lúa, chăn nuôi heo, gà… và những cố gắng của vợ chồng ông đã cho ra “trái ngọt”.
Kết quả sau bao năm nỗ lực, phấn đấu, vợ chồng ông Chạy đã sở hữu mảnh đất để xây nhà khang trang, có ruộng đất chia cho cả 6 người con. Các con của ông đều được ăn học, có việc làm ổn định. Không những thế, những người con của ông còn mở tiệm tạp hóa nhỏ trước nhà, vừa có thêm thu nhập, vừa tạo niềm vui cho cha mẹ đã lớn tuổi.
Tuy nhiên, khó khăn lại tiếp tục đeo bám ông Chạy khi đã lớn tuổi. Năm 2010, trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, các bác sĩ cho biết ông bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin từ thời chiến tranh. Ông Chạy cho biết, ban đầu thông tin này làm ông rất hoang mang nhưng không vì thế làm ông nhục chí, trái lại ông càng cố gắng nhiều hơn. Điều làm ông vui mừng hơn cả là các con cháu của ông không ai bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Không chỉ nỗ lực làm cho bản thân và cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn, ông Chạy còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, đứng ra kêu gọi, tập hợp nhân dân trong ấp cùng xây dựng mối đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đời sống, lao động, sản xuất, hỗ trợ nhau thoát nghèo; tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đường giao thông nông thôn, vận động người dân hiến đất làm đường…
QUANG HUY