.
BẢO HIỂM Y TẾ - CHUNG TAY DỆT "LƯỚI" AN SINH

Bài cuối: Cần có giải pháp căn cơ, đột phá

Cập nhật: 09:06, 08/09/2023 (GMT+7)

Bài 1: Nghĩa cử nhân văn từ tấm thẻ BHYT

Bài 2: Những khó khăn, bất cập

Để giải bài toán về tính bền vững cho tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cần có giải pháp căn cơ, giải quyết từ gốc của vấn đề. Trong đó, việc tháo gỡ những bất cập từ cơ chế, chính sách và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) bằng BHYT được xem là những việc cấp thiết hiện nay.

THÁO GỠ TỪ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

Tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV mới đây, liên quan đến những bất cập trong lĩnh vực y tế, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang đã có nhiều ý kiến kiến nghị trung ương.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang có nhiều ý kiến tại diễn đàn Quốc hội kiến nghị trung ương nhanh chóng  tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang tồn tại.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang có nhiều ý kiến tại diễn đàn Quốc hội kiến nghị trung ương nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang tồn tại.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, vấn đề người dân mua BHYT nhưng đi KCB BHYT, cơ sở KCB không cung ứng được thuốc và vật tư y tế trong danh mục BHYT thanh toán, mà phải đi mua bên ngoài, đây là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan chứ không phải trách nhiệm của người dân.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, BHYT phải xem xét thanh toán cho người dân tối đa bằng mức thuốc, vật tư y tế trong giá đấu thầu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cần quan tâm hơn đối với tình trạng thiếu thuốc. Đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế nhưng cần phải điều chỉnh lại đối với Luật Dược và Luật BHYT, bởi qua nhiều đợt tiếp xúc, cử tri phản ánh nhiều về tình trạng thiếu thuốc ở nhiều nơi.

Đại biểu cho rằng, hiện tại danh mục thuốc được chia theo phân cấp, tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương. Khi người bệnh mang toa thuốc theo BHYT về các cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện yêu cầu cung cấp toa thuốc theo BHYT của trung ương thì không thể, vì vậy cần chỉnh sửa Luật Dược, thay đổi danh mục làm sao ở tỉnh với trung ương gần giống nhau thì mới giải quyết được vấn đề cử tri đã phản ánh về tình trạng thiếu thuốc.

Đối với việc thanh, quyết toán BHYT, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, vấn đề nợ BHYT không chỉ xảy ra ở tỉnh Tiền Giang mà ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hiện các cơ quan chuyên môn vẫn đang tìm cách tháo gỡ. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã ban hành 2 Nghị quyết liên quan đến BHYT là Nghị quyết kỳ họp và Nghị quyết giám sát chuyên đề.

Trong đó, giao nhiệm vụ cho Chính phủ phải giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, vướng mắc xảy ra trong thanh, quyết toán BHYT. Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ đang dự thảo sửa Luật BHYT, trong đó có sửa nội dung làm sao để việc thanh, quyết toán BHYT thuận lợi hơn, đáp ứng nguyện vọng nhân dân.

NÂNG CHẤT KCB

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, mục tiêu của ngành Y tế tỉnh định hướng trong thời gian tới tập trung tháo gỡ những hạn chế hướng đến nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bảo đảm tất cả người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ trong nước và quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát hiệu quả hoạt động của các công trình sử dụng vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội  tại Trung tâm Y tế TX. Gò Công.
Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát hiệu quả hoạt động của các công trình sử dụng vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội tại Trung tâm Y tế TX. Gò Công.

Cụ thể, về nhân lực, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; củng cố, phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và mạng lưới y tế dự phòng để nâng cao chất lượng hoạt động, đủ khả năng dự báo, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống.

Đồng thời, ngành Y tế chú trọng triển khai tốt Đề án Giảm quá tải bệnh viện; Đề án Khoa/bệnh viện vệ tinh; Đề án Hợp tác y tế TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Cần Thơ  - Tiền Giang; nâng cao năng lực các bệnh viện chuyên khoa; thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến trong KCB.

Cùng với đó, xây dựng chương trình cải thiện chất lượng dịch vụ KCB, phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị, kiểm định và kiểm soát chất lượng dịch vụ KCB từ tỉnh đến huyện, xã; giáo dục y đức, dược đức và quy chế ứng xử cho cán bộ y tế; kiện toàn cơ chế xử lý, phản hồi ý kiến, bảo vệ quyền lợi của người bệnh; từng bước áp dụng chuẩn quốc gia trong KCB.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Linh cho biết, Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND tỉnh về tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước (đạt ít nhất 10% tổng chi ngân sách tỉnh dành cho y tế), dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, đảm bảo đủ kinh phí cho hoạt động thường xuyên của trạm y tế xã, phường...

Cùng với đó, mở rộng các phương thức trả trước và chia sẻ rủi ro trong KCB thông qua phát triển BHYT toàn dân; cải cách và đơn giản hóa thủ tục mua, thanh toán BHYT, tạo thuận lợi cho người KCB bằng BHYT; tiếp tục triển khai tốt chính sách BHYT cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, nhân dân vùng kinh tế khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương.

Mở rộng hoạt động KCB bằng BHYT tại tuyến xã thông qua Đề án Bác sĩ gia đình, Y tế ngoài công lập. Đồng thời, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; gắn việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế với lộ trình BHYT toàn dân, lộ trình cải cách tiền lương; thực hiện chuyển quản lý tài chính các Trung tâm Y tế huyện về UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý…

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

Theo BHXH tỉnh Tiền Giang, để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập cần có thời gian, bởi liên quan đến việc xây dựng thể chế, điều chỉnh luật. Trước mắt với trách nhiệm của mình, ngành BHXH tiếp tục phối hợp ngành Y tế tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo, thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn các giải pháp hiện có để đảm bảo chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Trong đó, tăng cường công tác điều hành, quản lý, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở KCB BHYT khi để xảy ra tình trạng bội chi Quỹ BHYT kéo dài mà không có giải pháp khắc phục... Việc quản lý, sử dụng kinh phí KCB phải thực sự hiệu quả, đảm bảo sử dụng kinh phí KCB BHYT trong phạm vi dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, quan tâm, đảm bảo kinh phí cho các cơ sở KCB đối với những khoản chi không kết cấu vào giá dịch vụ để góp phần nâng cao chất lượng KCB, giảm áp lực phải tăng nguồn thu từ Quỹ BHYT của các cơ sở y tế và chuyển tuyến.

Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Khánh Bình cho biết, ngành BHXH rất quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo đó, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: BHXH tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT.

Cụ thể, BHXH tỉnh ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT với Tạp chí BHXH, Thông tin nội bộ, thông tin thời sự (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), Báo Ấp Bắc, Báo Pháp Luật Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang với các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục cố định hằng tuần, hằng tháng…

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp với UBND các cấp, Hội đoàn thể tổ chức các hội nghị truyền thông, như: Tư vấn đối thoại, tập huấn, hội thảo, tọa đàm; truyền thông qua các sản phẩm (băng rôn, phướn, tờ gấp…); truyền thông qua mạng xã hội… nhằm tạo sự đồng thuận trong việc triển khai các chính sách BHYT đến các tầng lớp nhân dân.

Có thể nói, với con số 92,6% người dân tỉnh Tiền Giang tham gia BHYT cũng đã nói lên sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh, trong đó chủ lực là 2 ngành BHXH và Y tế. Với những động thái tích cực từ Quốc hội, Chính phủ, cùng với những giải pháp trước mắt và lâu dài của lãnh đạo tỉnh, tin rằng những vướng mắc đang tồn tại về BHXH, BHYT sẽ được giải quyết dứt điểm trong thời gian không xa.

HOÀI THU - ĐỖ PHI

.
.
.