.

Tiền Giang: Công tác gia đình với nhiều chuyển biến tích cực

Cập nhật: 19:42, 20/10/2023 (GMT+7)

Những năm qua, việc triển khai thực hiện công tác gia đình (CTGĐ) và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo sâu sát của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương của tỉnh Tiền Giang. Theo đó, nhiều giải pháp, mô hình mới, cách làm hay được thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét trong CTGĐ của toàn tỉnh.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC

Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH), CTGĐ và dân số” tỉnh (gọi tắt Ban Chỉ đạo tỉnh), thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tham mưu thực hiện nhiều Đề án, chương trình, kế hoạch về CTGĐ; tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động PCBLGĐ.

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang tặng quà các gia đình văn hóa tiêu biểu.
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang tặng quà các gia đình văn hóa tiêu biểu.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cấp cơ sở đẩy mạnh CTGĐ, tổ chức nhiều hoạt động như họp mặt, tọa đàm, hội thi nấu ăn, gia đình vui khỏe… nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ theo chủ đề hằng năm nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong xây dựng, gìn giữ gia đình hạnh phúc. Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng quan tâm chỉ đạo các ngành, đoàn thể xây dựng, duy trì hoạt động các mô hình câu lạc bộ (CLB), như: CLB Gia đình hạnh phúc bền vững; Đội PCBLGĐ; Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng…

Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành Đặng Văn Hiệp, toàn huyện Châu Thành có 72 CLB Gia đình hạnh phúc bền vững, 23 Đội PCBLGĐ và 23 Địa chỉ tin cậy cộng đồng ở 22/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và đều xây dựng quy chế hoạt động, tiếp nhận, hỗ trợ tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ), cũng như thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để xử lý vụ việc kịp thời.

Với những hoạt động thiết thực của các mô hình, nhiều gia đình đã có những chuyển biến tích cực như chịu khó buôn bán làm ăn, ổn định cuộc sống, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định trật tự xã hội tại địa phương. Nếu như năm 2014, toàn huyện có 12 vụ bạo lực gia đình, thì đến tháng 12-2022, toàn huyện chỉ có 1 trường hợp bị BLGĐ.

Theo đánh giá của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cai Lậy, những năm gần đây, các tệ nạn về xã hội và BLGĐ được kéo giảm, bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội được tôn trọng, đề cao. Thực tế huyện có số vụ BLGĐ xảy ra qua hằng năm cụ thể như sau: Năm 2014 có 31 vụ; năm 2015 có 17 vụ; năm 2016 là 28 vụ: năm 2017 là 11 vụ: năm 2018 có 10 vụ và từ năm 2019 đến nay, huyện không có trường hợp vi phạm BLGĐ.

Theo đánh giá của Sở VHTT&DL, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt CTGĐ, PCBLGĐ. Qua đó, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa không ngừng được nâng lên qua từng năm. Năm 2022, toàn tỉnh có 95% hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH; số vụ BLGĐ giảm rõ rệt, nhiều địa phương của tỉnh nhiều năm liên tục không xảy ra tình trạng BLGĐ…

KHƠI DẬY TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Võ Văn Chiến cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực từ CTGĐ, PCBLGĐ thì trên thực tế, định kiến giới và tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong một số ít gia đình và một bộ phận dân cư, dẫn đến tình trạng BLGĐ tuy có giảm nhưng thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra. Vì vậy, công tác PCBLGĐ vẫn đang là nhiệm vụ quan trọng của địa phương.

Theo Sở VHTT&DL, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, quán triệt các nội dung của chủ trương liên quan đến CTGĐ, PCBLGĐ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, khơi dậy trách nhiệm xã hội trong xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”; MTTQ và tổ chức thành viên các cấp tập trung tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật về PCBLGĐ và quy định khác của pháp luật có liên quan, cam kết không có hành vi BLGĐ.

Giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, giá trị gia đình, xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống văn minh cho thế hệ trẻ thông qua sự phối hợp giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Duy trì xây dựng các mô hình gia đình kiểu mẫu “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Đồng thời, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình.

Cùng với đó, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung quản lý nhà nước về PCBLGĐ theo thẩm quyền. Quan tâm duy trì và phát triển các mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững; đội, nhóm PCBLGĐ; giáo dục tiền hôn nhân cho nam, nữ thanh niên… nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.  Đồng thời, kịp thời biểu dương, đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCBLGĐ để tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.

QUẾ ANH

.
.
.