Chuyện về một phường chỉ còn 3 hộ nghèo
Đó là phường 9, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Để đạt được kết quả này, phường 9 đã nỗ lực không ngừng nghỉ vì công tác giảm nghèo bền vững.
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN
Phường 9 nằm ở hướng Đông của TP. Mỹ Tho, là phường nội ô nhưng vẫn còn mang dáng dấp bán thị, bán thôn. Đến phường 9 hôm nay, nhiều người sẽ dễ dàng nhận thấy sự đổi thay theo hướng văn minh hiện đại với nhà cửa khang trang, đường sá sạch đẹp, đặc biệt là sự khấm khá, sung túc trong đời sống thường nhật của người dân.
Giới thiệu về địa phương, đồng chí Lê Thị Vũ Linh, Phó Chủ tịch UBND phường 9 cho biết, phường 9 được chia ra làm 6 khu phố với 39 Tổ nhân dân tự quản; có 3.538 hộ với 9.856 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế của phường được xác định theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, đánh bắt thủy hải sản và sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị.
Trên địa bàn phường hiện có 131 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, gần 700 cơ sở thương mại dịch vụ. Về nông nghiệp, toàn phường hiện có khoảng 64 ha cây lâu năm và Tổ hợp tác hoa kiểng phường 9 có 38 hộ trồng hoa cung ứng lượng lớn hoa tươi các loại cho thị trường dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Về thủy sản, phường hiện có 67 tàu đánh bắt thủy sản và tàu hậu cần nghề cá xa bờ. Tăng trưởng kinh tế hằng năm của phường 9 đều đạt kế hoạch đề ra, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực.
Trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán là một trong những nghề mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân phường 9, TP. Mỹ Tho. |
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm, Đảng bộ và chính quyền phường 9 luôn ưu tiên thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, cải thiện môi trường sống nhằm nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Các hội, đoàn thể luôn nắm chắc tình hình đời sống của hội viên, từ đó phát hiện hộ khó khăn để hỗ trợ kịp thời. Thông qua các hội, đoàn thể, người dân khó khăn về vốn được bảo lãnh vay vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm kinh tế; các hộ thiếu việc làm được ưu tiên giới thiệu, tạo việc làm. Từ đó, đời sống các hộ dân của phường không ngừng được nâng lên. Kết quả, toàn phường hiện chỉ còn 3 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,08% và 13 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,37% so với tổng số hộ dân của phường”, đồng chí Lê Thị Vũ Linh cho biết thêm.
GIẢM NGHÈO PHẢI THỰC CHẤT
Chủ trương của phường 9 là giảm nghèo phải thực chất, không chạy theo thành tích hay chỉ tiêu. Chủ trương này được quán triệt trong cả hệ thống chính trị của phường. Đồng chí Lê Thị Vũ Linh cho biết, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo, việc làm phường đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, họp phân công cụ thể các thành viên trong Ban Chỉ đạo và các ban, ngành, đoàn thể, 6 khu phố theo dõi nắm bắt tình hình tạo điều kiện giúp đỡ hộ cận nghèo, hộ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội cho lao động của hộ cận nghèo có việc làm ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống, từ đó giảm dần tỷ lệ hộ cận nghèo.
Được biết, thành quả công tác giảm nghèo ở phường 9 nhận được sự trợ lực rất lớn từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua hoạt động cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể. Trong năm 2023, tổng nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tại phường 9 là trên 15 tỷ đồng. Với sự quan tâm lãnh đạo của các ngành cấp trên, các chủ trương về vấn đề an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo chỉ đạo kịp thời.
Hoạt động của các hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay trong việc thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, họp xét duyệt danh sách hộ vay vốn công khai, dân chủ đúng quy trình, đúng đối tượng, xem xét từng hộ tùy theo khả năng, mô hình sản xuất mà xét duyệt mức vay hợp lý. Từ đó, giúp nhiều hộ cải thiện cuộc sống, giúp cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đầu tư cho học tập; hầu hết các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.
Chị Hồ Thị Xuyên, cán bộ Văn hóa - Xã hội UBND phường 9 là người đã có thâm niên hàng chục năm gắn bó với công tác giảm nghèo ở địa phương. Chị sâu sát cơ sở và nắm bắt thông tin đời sống kinh tế của từng hộ gia đình, biết nguyên nhân nghèo của từng hộ và từ đó đề xuất phương án thoát nghèo phù hợp.
“Giảm nghèo là cả một quá trình chứ không phải là chuyện của một vài tháng hay một năm. Chúng tôi xác định hộ nghèo làm ăn có căn cơ bền vững thì mới đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Các hộ thoát nghèo đều được tiếp tục nhận hỗ trợ trong thời gian sau đó. Việc thoát nghèo phải bền vững, không để xảy ra tình trạng tái nghèo. Cùng với chăm lo hộ nghèo, phường quan tâm tạo điều kiện mọi mặt cho hộ cận nghèo và hộ khó khăn vươn lên. Đã mấy năm qua phường 9 vẫn còn 3 hộ nghèo và không thể giảm thêm vì cả 3 hộ này đều thuộc diện người cao tuổi, sức khỏe yếu, neo đơn, không có điều kiện để vươn lên thoát nghèo và phải thường xuyên nhận trợ cấp, cứu trợ”, chị Xuyên chia sẻ.
THỦY HÀ