Hỗ trợ kỹ thuật, phục hồi sinh kế cho hội viên phụ nữ
Dựa trên các đặc thù kinh tế địa phương, Ban quản lý Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid - 19 lần thứ 4 ở Tiền Giang” (gọi tắt là Dự án UN Women) do Chính phủ Úc (DFAT) tài trợ đã tổ chức 5 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hướng dẫn cho 250 phụ nữ ở các địa phương cách thức quản lý tài chính cho hộ khởi nghiệp buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nũ xã đi khảo sát từng hội viên phụ nữ. |
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án UN Women cho biết: Tập huấn hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, phục hồi sinh kế cho phụ nữ là một trong những hoạt động có ý nghĩa của Dự án UN Women tài trợ tại Tiền Giang. Các lớp tập huấn được tổ chức gắn liền với nhu cầu xã hội và đặc thù kinh tế của từng địa phương. Trước đó, cán bộ phụ nữ cơ sở đã đi khảo sát, nắm bắt nhu cầu của từng chị em.
Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 về thực hiện sinh kế phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Hỗ trợ kiến thức kỹ thuật liên quan về các hoạt động nông nghiệp, phi nông nghiệp, tiếp thị hoặc phát triển kinh doanh hộ gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ…”.
Theo đó, Ban quản lý Dự án UN Women đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang tổ chức chức tập huấn. Cụ thể: Tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây có múi, kỹ thuật về chăn nuôi heo, cá da trơn.
Tại TX. Cai Lậy và huyện Tân Phước thì tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây có múi, kỹ thuật trồng khóm, kỹ thuật về chăn nuôi heo, gà. Tại huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho, phụ nữ sẽ được tập huấn kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi heo, gà. Tại các huyện phía Đông, phụ nữ sẽ được bổ trợ, nâng cao kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi heo, gà, dê, thủy sản, kỹ thuật trồng thanh long, rau màu….
Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo, gà cho chị em phụ nữ. |
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án UN Women còn phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang hướng dẫn phụ nữ cách quản lý tài chính cho hộ khởi nghiệp buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà, nhằm giúp phụ nữ biết cách kiểm soát, kiềm chế chi tiêu, ý thức tiết kiệm, thực hiện đầu tư nhỏ giúp tích lũy tài chính, tích luỹ được kinh nghiệm, kiến thức và quan hệ xã hội để tạo nền tảng vững chắc cho khởi nghiệp.
Muốn tạo nền tảng cho khởi nghiệp thành công, trước hết cần tạo nền tảng tài chính vững chắc biểu hiện qua việc nắm giữ những tài sản có khả năng tạo ra thu nhập ổn định cho mình. Những điều đó chỉ có được nhờ vào biết tiết kiệm và đầu tư nhỏ theo thời gian…
Chăm chú theo dõi Thạc sĩ Đỗ Khánh Linh, kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang truyền đạt về quy trình chăn nuôi heo, gà cũng như về kinh tế tuần hoàn, chị Huỳnh Thị Kim Hồng, xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành) tâm đắc: "Trước đây, tôi có nuôi heo và nuôi gà nhưng không hiệu quả, do chưa am hiểu về quy trình chăn nuôi, sau đó tôi vừa đi làm thuê vừa đào ao nuôi cá. Nuôi cá, gần 2 năm mới có cá xuất bán, nên kinh tế gia đình không ổn định. Hôm nay, được tập huấn về kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng bệnh, đầu ra trong nuôi heo, gà… là những kiến thức thật sự hữu ích. Tôi sẽ bàn lại cùng gia đình đầu tư nuôi heo, gà trong thời gian tới".
Còn đối với chị Huỳnh Thị Thu Hương, xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) cho rằng: "Kiến thức tập huấn thật sự rất có lợi cho bản thân và gia đình. Chồng mất khi 2 con còn nhỏ, một mình gánh gồng nuôi 2 con. Hiện tại, tôi có nuôi 1 con bò cũng từ nguồn vốn của phụ nữ hỗ trợ vay và mua bán tạp hóa nhỏ tại nhà. Tôi cũng có dự định sẽ nuôi thêm gà, nên khi được tập huấn về cách chăm sóc, phòng bệnh trên gà đã cung cấp cho tôi rất nhiều kiến thức. Đặc biệt, tôi còn được tập huấn về cách quản lý nguồn vốn cho tiệm tạp hóa nhỏ của mình".
Tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt đã đem lại nhiều kiến thức hữu ích cũng như những kinh nghiệm, giải pháp trong chăn nuôi, trồng trọt cho người phụ nữ, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Dự án.
Tài liệu và phương pháp tập huấn được cập nhật phù hợp với điều kiện, trình độ sản xuất. Thông qua Dự án UN Women giúp, hỗ trợ phục hồi sinh kế cho phụ nữ nắm bắt được kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hiệu quả để tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo.
PHƯƠNG MAI