.

Tiền Giang: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 13:53, 01/11/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, công tác giảm nghèo của Tiền Giang đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Các địa phương đã chủ động trong việc phối hợp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra.

Lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và nhân giống cây sầu riêng cho nông dân tại xã Mỹ Thành Nam,  huyện Cai Lậy).
Lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và nhân giống cây sầu riêng cho nông dân tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy.

Bên cạnh đó, những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, đầy đủ, đến tận người dân, có hiệu quả và đúng quy định. Người nghèo được tiếp cận một cách nhanh chóng, thuận lợi, phát huy tác dụng của các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tín dụng, thông tin, tiền điện, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, nhà ở và các hỗ trợ đột xuất khác… đã thực sự góp phần giúp đỡ người nghèo cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn để thoát nghèo.

Trong 9 tháng năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội Tiền Giang giải ngân cho 18.890 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với số tiền hơn 587 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã hỗ trợ tạo việc làm cho 3.532 lao động, 52 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng 11.100 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường...

Đồng thời, với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo. Bản thân hộ nghèo, cận nghèo đã có sự nhận thức đúng đắn hơn, có ý chí chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo trên cơ sở tiếp cận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, tính từ tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2023 đối với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, cụ thể: Năm 2021, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,47%, đạt vượt kế hoạch đề ra; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,27%, đạt vượt kế hoạch đề ra. Năm 2023, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 của Chính phủ xuống còn 1,07% so với số hộ toàn tỉnh (giảm khoảng 1.000 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ khoảng 0,2%).

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ Nương cho biết, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp thời gian qua được kiện toàn, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp trong việc định hướng nội dung hoạt động, xây dựng kế hoạch, tổ chức hướng dẫn và kiểm tra, giám sát trong thực hiện các chính sách, dự án của chương trình.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, Tiền Giang đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng, nhân rộng những mô hình giảm nghèo nông thôn; tích cực hỗ trợ hộ nghèo về vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất; tăng cường giáo dục nghề nghiệp, nâng cao trình độ nghề, giúp người lao động có thêm việc làm, thu nhập cho kinh tế hộ…

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp cùng các ngành hữu quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong khuôn khổ Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023, bao gồm: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin… hướng tới mục tiêu giúp người phát triển sản xuất, mở mang kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Qua đó tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn.

Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ người nghèo, thông qua chương trình an sinh xã hội và đóng góp Quỹ Vì người nghèo đạt nhiều kết quả nhất định.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn dưới 1% theo kế hoạch của Tỉnh ủy đề ra, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng về mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, người nghèo nhằm thay đổi tư duy và chuyển biến sâu sắc nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo để thoát nghèo bền vững.

Cùng với đó, tỉnh tích cực chủ động huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội để đầu tư thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu giảm nghèo và phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh.

HỮU NGHỊ

.
.
.