Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ
Những năm qua, việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới (BĐG) luôn được sự quan tâm, lãnh đạo của Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho. Theo đó, vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong gia đình và xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố.
QUAN TÂM CÔNG TÁC BĐG
Trong những năm qua, trên cơ sở các kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang về thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch về thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch về thực hiện Chương trình truyền thông về BĐG đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TP. Mỹ Tho tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ; kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố biểu dương cán bộ, hội viên phụ nữ có thành tích tiêu biểu. Ảnh: Cẩm Linh |
Cùng với đó, các ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến BĐG và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và nâng cao nhận thức xã hội về BĐG. Qua đó, chị em phụ nữ đã khẳng định vị thế, vai trò của mình trong gia đình và tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Đặc biệt, Thành ủy Mỹ Tho rất quan tâm đến việc thực hiện BĐG, đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các cơ quan, ban, ngành thành phố, các phường, xã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Qua đó, nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và các cơ quan dân cử, đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ.
Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Mỹ Tho Lê Thanh Bình cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, các cấp ủy đảng đưa cán bộ nữ đi đào tạo gồm cao cấp chính trị 12 đồng chí; trung cấp chính trị 65 đồng chí; sau đại học 3 đồng chí. Số cán bộ nữ của các Ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Thành ủy và Mặt trận, các đoàn thể thành phố có trình độ sau đại học hoặc đang học sau đại học là 7/27 đồng chí, đạt tỷ lệ 25,92% (so với nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 5/30 đồng chí, đạt tỷ lệ 16,6%). Những cán bộ, công chức nữ được phê duyệt quy hoạch đã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng yêu cầu vị trí được quy hoạch. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt từ 30% trở lên.
Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ: Số cán bộ nữ lãnh đạo thành phố (Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố) là 11/40 đồng chí, đạt 27,5% (nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 10/44 đồng chí, đạt 8,33%). Số cán bộ nữ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố là 25/61 đồng chí, đạt 40,98% (nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 37/83 đồng chí, đạt 44,57%). Số cán bộ nữ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ phường, xã là 175/298 đồng chí, đạt 58,72% (nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 113/216 đồng chí, đạt 52,31%). Số cán bộ nữ quy hoạch các chức danh chủ chốt ở phường, xã là 147/326 đồng chí, đạt 45,09% (nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 120/291 đồng chí, đạt 41,23%).
Qua kết quả trên, cho thấy việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức từ phía cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong việc tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát huy năng lực của mình. Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực chính trị, nhờ sự quan tâm của cấp ủy đảng mà phụ nữ TP. Mỹ Tho ngày càng chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể thành phố, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
NÂNG CAO VAI TRÒ, VỊ THẾ PHỤ NỮ
Bên cạnh những kết quả tích cực thì một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu một số cơ quan chưa sâu sắc; chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ nên chưa thật quan tâm. Tỷ lệ nữ công chức, viên chức quản lý, lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị vẫn còn thấp; định kiến giới vẫn còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội.
Cùng với đó, các chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ như chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ đi học có con nhỏ chưa được đảm bảo, do đó chưa khuyến khích, ủng hộ phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị được sâu rộng. Một bộ phận phụ nữ vẫn còn biểu hiện tự ti, an phận, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên…
Theo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP. Mỹ Tho, lãnh đạo thành phố đã xác định công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ gắn với phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới là nhiệm vụ chiến lược. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từng cấp, từng ngành của thành phố tập trung, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về BĐG gắn với phòng, chống bạo lực gia đình; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về BĐG.
Tiếp tục thực hiện lồng ghép các nội dung BĐG trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lập ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm nguyên tắc BĐG và bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác BĐG. Triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025...
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đổi mới về hình thức và nội dung sao cho phù hợp từng đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về BĐG gắn với phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về BĐG gắn với phòng, chống bạo lực gia đình trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Đưa nội dung về BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học.
Nhân rộng các cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới; tạo nơi tạm lánh, nơi trú ẩn an toàn cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới… Tăng cường lồng ghép giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyên môn của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, trong nước và ngoài nước trên lĩnh vực BĐG…
GIA TUỆ