.
CHIẾN DỊCH TOÀN CẦU VỀ XÓA BỎ BẠO LỰC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI:

Hãy "Tô cam" vì một thế giới không bạo lực

Cập nhật: 09:03, 11/12/2023 (GMT+7)

Hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11), hàng trăm sự kiện trên toàn thế giới do Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới (BĐG) và trao quyền cho phụ nữ; các đối tác tổ chức nhằm tăng cường các nỗ lực để chấm dứt một đại dịch gây ảnh hưởng đến phụ nữ trên toàn cầu. “Tô cam” - màu sắc được Cơ quan Liên Hợp quốc lựa chọn là màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - mang theo thông điệp ý nghĩa về BĐG; tượng trưng cho hy vọng và một thế giới không bạo lực.

LAN TỎA SẮC MÀU BĐG

Đại biểu tham dự sự kiện “Tô cam”.
Đại biểu tham dự sự kiện “Tô cam” tại Tiền Giang.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có những quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác BĐG vì sự tiến bộ của phụ nữ, quan tâm đến quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đóng vai trò nòng cốt với nhiều mô hình, hoạt động… cùng chung tay đẩy lùi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. 

Vừa  qua, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức sự kiện “Tô cam”, đây là hoạt động hưởng ứng Lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.

Phát biểu tại sự kiện “Tô cam”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng nhấn mạnh: Bạo lực không chỉ có những hậu quả tiêu cực cho những người trải qua bạo lực, mà còn cả gia đình, cộng đồng và xã hội nói chung và gây ra chi phí kinh tế cao cho xã hội.

Do đó, cần thông qua và thực hiện các luật để bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái; tăng cường các nỗ lực để truy tố kẻ phạm tội; việc phòng ngừa bắt đầu từ khi còn rất nhỏ để thấm nhuần văn hóa không khoan nhượng đối với bạo lực; các dịch vụ toàn diện có thể tiếp cận được cho tất cả những người bị bạo lực, bao gồm hỗ trợ về: Y tế, tâm lý, nhà ở, tư vấn pháp lý...

Sự kiện “Tô cam” truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em; vận động các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và toàn xã hội chung tay xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt, đối xử, bạo lực trên cơ sở giới… tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển bình đẳng. Lời kêu gọi này là dành cho tất cả mọi người nhằm “Tô cam thế giới” và thực hiện vai trò của mình để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chuyển hóa sự phản đối thành hành động.

Tại sự kiện, thực hiện Chương trình Mottainai “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” của Báo Phụ Nữ Việt Nam đã trao tặng 6 phần học bổng cho trẻ em có người thân bị tai nạn giao thông, tổng trị giá 18 triệu đồng. Tích cực hưởng ứng sự kiện, các đại biểu tham dự đã cùng đồng diễn dân vũ trên nền nhạc “Vì nụ cười em” và đại biểu tham gia tuần hành bằng xe đạp các tuyến đường trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

BÌNH YÊN TẠI “ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỘNG ĐỒNG”

Những năm qua, công tác BĐG; phòng, chống bạo lực gia đình đã và đang được Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh thực hiện, đạt nhiều kết quả cao. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, các cấp Hội đã xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” (ĐCTCCĐ) mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực và được chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa; đồng thời được tuyên truyền, nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Toàn tỉnh hiện có 508 ĐCTCCĐ rộng khắp 172 xã, phường, thị trấn.

Đại biểu tham gia tuần hành bằng xe đạp các tuyến đường trên địa bàn TP. Mỹ Tho.
Đại biểu tham gia tuần hành bằng xe đạp các tuyến đường trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của các ĐCTCCĐ còn rất nhiều hạn chế, khó khăn; nhân sự kiện “Tô cam”, được sự hỗ trợ của Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở Tiền Giang” năm 2023 đã trao tặng thiết bị (giường, tủ, máy lọc nước, bộ máy vi tính và các vật dung sinh hoạt cần thiết…) phục vụ hoạt động cho các ĐCTCCĐ tại 3 đơn vị: xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước), xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo) và xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) với tổng kinh phí 150 triệu đồng.

Qua gần 6 năm triển khai hoạt động, ĐCTCCĐ tại xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) đã phát huy hiệu quả. Chị Trần Thị Hồng Gấm, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nhì cho biết: ĐCTCCĐ của xã được đặt tại trạm y tế, trụ sở công an, nhà văn hoá xã (nơi thường xuyên có người trực và có khả năng bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân)... được UBND xã ra quyết định thành lập, công bố rộng rãi trong nhân dân. Tính đến nay, các thành viên đã hòa giải 15 vụ việc (tư vấn, trợ giúp cho 15 chị em) có liên quan đến bạo lực gia đình, các mâu thuẫn trong gia đình, các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Những chị em phụ nữ khi gặp các vấn đề về bạo lực sẽ được tư vấn, cung cấp số điện thoại để liên lạc khi cần thiết. Nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã được hàn gắn, thuận hòa, từ đó chị em ngày càng tin tưởng, phấn khởi và tích cực tham gia vào các phong trào và hoạt động của hội và tham gia vào các mô hình tổ hợp tác sản xuất, tổ góp vốn xoay vòng để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc...

Từ những kiến thức tích lũy trong gần 10 năm tham gia công tác hòa giải tại ĐCTCCĐ, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: Phụ nữ bị bạo hành có ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng kêu gọi: Vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại; vì hạnh phúc của mỗi gia đình, mọi người hãy cùng lên tiếng, cùng hành động để thông điệp “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” được lan tỏa sâu rộng trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng, góp phần xóa bỏ bất BĐG và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, cùng nhau hướng đến một xã hội công bằng, phát triển, văn minh…

Những phụ nữ bị bạo hành tìm đến ĐCTCĐ những năm qua đều bị bạo lực từ 1 đến 10 năm. Đáng chú ý, nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình kéo dài nhưng cam chịu. Nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình là bất bình đẳng về giới, trong đó, các định kiến về giới là nguyên nhân chủ yếu.

Tức người chồng luôn coi vợ là “vật sở hữu” nên “muốn làm gì thì làm”. Các trường hợp bị bạo hành thường phải cùng lúc hứng chịu nhiều loại hình (thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế). Theo chia sẻ của chị Trang, không ai có quyền quyết định được cuộc sống của người khác, đến với ĐCTCCĐ người bị bạo hành sẽ được bảo vệ, cảm thấy bình yên…

Bên cạnh duy trì hoạt động của ĐCTCCĐ, hằng năm, các cấp Hội Phụ nữ còn tổ chức rất nhiều các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực giới trong các tầng lớp; thành lập nên nhóm “Phụ nữ nòng cốt” như cánh tay nối dài trong nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình. ĐCTCCĐ đang nỗ lực với sứ mệnh hỗ trợ các chị em phụ nữ và trẻ em có được kiến thức, kỹ năng để tự tin và chủ động đưa ra những quyết định cho cuộc sống.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.