.

Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Cập nhật: 10:43, 23/12/2023 (GMT+7)

Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnhTiền Giang được tiến hành ngày càng hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành hằng năm đều tăng. Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

GIẢI QUYẾT NHỮNG VỤ VIỆC TỪ CƠ SỞ

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 25 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc  trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 25 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

Nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở, ông Nguyễn Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Bồ Đề, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, chia sẻ: “Dù là những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở địa bàn dân cư, nhưng công việc hòa giải ở cơ sở trong thực tế cũng khá phức tạp.

Trước mỗi vụ việc, chúng tôi luôn phải bàn bạc, thảo luận kỹ để tìm ra phương án hòa giải phù hợp, cân nhắc khi nào nên chú trọng nhiều hơn tới phương diện tình cảm, hay phải thuyết phục trên cơ sở các quy định của pháp luật. Không nề hà khó khăn, chúng tôi luôn gắn bó với công việc hòa giải bằng trách nhiệm, gìn giữ tình làng nghĩa xóm, vì sự bình yên của nhân trên địa bàn”.

Trong 10 năm qua, công tác hòa giải ở ấp Bồ Đề đã đi vào nền nếp, thống nhất và hoạt động ngày càng hiệu quả, chất lượng hòa giải không ngừng được nâng lên. Cụ thể, Tổ hòa giải ấp Bồ Đề đã tiếp nhận 19 vụ việc, hòa giải thành 18 vụ việc, đạt 95%.

Ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng, trong thực tế có rất nhiều mâu thuẫn nhỏ trong đời sống xã hội nếu không kịp thời hòa giải, để kéo dài có thể khiến chuyện nhỏ thành chuyện lớn, thậm chí từ dân sự chuyển thành hình sự, rồi trở thành trọng án. Những mâu thuẫn mang tính tức thời, bộc phát, thường dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát và không lường trước hậu quả xảy ra.

Thời gian qua, các huyện, thị, thành của tỉnh Tiền Giang đã biên soạn, phát hành 302.123 tờ tài liệu tuyên truyền pháp luật; 3.756 bộ tài liệu hỏi đáp pháp luật ở các lĩnh vực. Toàn tỉnh hiện có 1.063 Tổ hòa giải với 6.740 hòa giải viên.

Cơ cấu Tổ hòa giải gồm các thành viên của mặt trận, đoàn thể và các hội quần chúng ở cơ sở. Mỗi Tổ hòa giải đều có từ 5 - 7 thành viên. Theo thống kê, tỷ lệ hòa giải thành trung bình hằng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Nếu năm 2014, tỷ lệ hòa giải thành đạt 80,67% thì đến năm 2022 đạt 92,33%; riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành đạt 94,11%.

Còn Tổ hòa giải ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy có mô hình “Hòa giải tranh chấp ranh đất” đã phát huy hiệu quả. Để thực hiện tốt mô hình này, ngay khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải của người dân thì Tổ trưởng Tổ hòa giải phân công nhiệm vụ cho hòa giải viên trong tổ thực hiện giải quyết.

Sau đó, hòa giải viên được phân công phối hợp với công chức Tư pháp, công chức Địa chính xã để được hỗ trợ, tư vấn về mặt pháp lý tra cứu về hồ sơ, vị trí các thửa đất tranh chấp; đồng thời xác minh, nắm rõ nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tranh chấp khiếu kiện.

Xác minh xong, hòa giải viên báo cáo lại kết quả cho Tổ trưởng Tổ hòa giải biết để tiến hành họp nội bộ thành viên Tổ hòa giải, đặc biệt là mời thêm một số người có uy tín đối với các bên tham gia hòa giải là điều rất quan trọng để có thảo luận, định hướng trước về nội dung hòa giải, nhằm tránh trường hợp các thành viên tham dự hòa giải trong quá trình phân tích, giải thích có những ý kiến trái chiều dẫn đến khó thuyết phục đối với các bên tranh chấp.

Đối với những vụ việc hòa giải phức tạp, Tổ hòa giải ấp 2, xã Cẩm Sơn còn phối hợp lực lượng tuyên truyền viên pháp luật xã là những người có uy tín, có khả năng tác động đến các bên tranh chấp để gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ và kết hợp giải thích, phân tích về quy định pháp luật… tìm ra nguyên nhân cốt lõi của việc mâu thuẫn, để từ đó có giải pháp hòa giải hợp tình, hợp lý cho các bên. Kết quả Tổ hòa giải ấp 2, xã Cẩm Sơn đã hòa giải thành 38/38 vụ việc tranh chấp đất đai.

Thực tế cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện có hiệu quả đã góp phần tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

NÂNG CHẤT CÔNG TÁC HÒA GIẢI

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 25 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 25 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

Thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua cho thấy, phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên là điểm mấu chốt giúp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, việc nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở luôn được chú trọng.

UBND các huyện, thị, thành luôn quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là đội ngũ hòa giải viên ở các ấp, khu phố, thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở đối với hòa giải viên. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở, các mô hình tổ hòa giải điển hình tại địa phương để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Phòng Tư pháp huyện Gò Công Tây, để nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở, hằng năm Phòng Tư pháp đều tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản và tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”. Hiện trên địa bàn Gò Công Tây có 66 Tổ hòa giải với gần 500 hòa giải viên; tổ chức 10 lớp tập huấn cho hòa giải viên theo khung chương trình của Bộ Tư pháp. 

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở các địa phương, các hòa giải viên đã chia sẻ những cách làm hay trong tổ chức triển khai thi hành Luật và thực tiễn tổ chức hòa giải tại địa phương. Từ đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả trong thời gian tới.

Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu đề nghị, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này để sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư thông qua công tác hòa giải ở cơ sở.

Tiếp tục quan tâm phổ biến pháp luật đến cán bộ, đảng viên, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp; phát huy vai trò các cấp, các ngành, cá nhân trong công tác hòa giải ở cơ sở trên tinh thần thượng tôn pháp luật gắn với truyền thống văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương…

Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về pháp luật, có trách nhiệm sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; nâng cao quản lý nhà nước của ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở, chủ động phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh một cách khoa học, nghệ thuật và thành công.

PHƯƠNG MAI

.
.
.