.

Góp chút tình cho hương sắc mùa xuân

Cập nhật: 21:41, 07/02/2024 (GMT+7)

Đã thành thông lệ, chuẩn bị Tết Nguyên đán cổ truyền, các nghề làm bánh tráng, bánh tét, mứt, lạp xưởng, trồng hoa tết... lại tất bật vào mùa để có đủ lượng hàng cung ứng thị trường, góp chút xuân cho ngày tết càng thêm hương sắc.

Đến thăm các hộ làm mứt ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trong những ngày cuối năm mới thấy không khí tết ở nơi đây rất rộn ràng. Chị Đặng Thị Lắm, ấp Tân Thạnh, xã Xuân Đông có thâm niên làm mứt dừa nhiều năm, vì thế sản phẩm mứt dừa của chị Lắm ngày càng được nhiều người biết đến. Đối với chị Lắm, chất lượng sản phẩm nằm ở cái tâm với nghề, chị Lắm chia sẻ: “Làm mứt dừa đơn giản, nhưng khó cạnh tranh vì trên thị trường mặt hàng này khá phong phú và đa dạng. Vì vậy, để sản phẩm mứt dừa làm ra được thị trường đón nhận, tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu; sản phẩm ngon và sạch mới có thể tồn tại lâu dài và vươn xa. Nguyên liệu làm mứt rất quan trọng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm làm ra”.

Chính vì thế, chị Lắm chú trọng trong từng khâu sản xuất từ cách lựa chọn nguyên liệu đầu vào, xử lý, chế biến nguyên liệu. Nhờ vậy, nét độc đáo của sản phẩm mứt dừa của chị Lắm đến từ vị béo nhẹ kết hợp với vị ngọt thanh của đường. Ngoài mứt dừa truyền thống, đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Lắm còn làm mứt dừa non, mứt dừa dẻo. Trung bình vào dịp Tết Nguyên đán, chị cung ứng ra thị trường từ 200- 300 ký mứt dừa các loại; ngày thường ai đặt chị Lắm cũng làm. Với giá cả phù hợp, thị trường tiêu thụ mứt hiện nay của chị chủ yếu là kênh online trên Facebook, Zalo, các cửa hàng tạp hóa tại địa phương.

Bánh tét, món ăn không thể thiếu trong những ngày tết.
Bánh tét, món ăn không thể thiếu trong những ngày tết.

Cứ vào mùa làm mứt là vùng quê càng thêm nhộn nhịp, bà con ai cũng hớn hở vì vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần làm nên hương vị ngày tết. Tuy gia đình cô Lê Thị Tư, ấp Tân Phú 1, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo chỉ sản xuất mứt nhỏ lẻ, nhưng luôn giữ được hương vị truyền thống và uy tín đối với người dùng. Cô Tư chia sẻ: Gia đình cô chủ yếu làm mứt chùm ruột, mứt cà chua, mứt me… để đãi khách trong những ngày tết; còn ngày thường thì nếu khách có đặt thì cô mới làm.

Từ khoảng 3 tháng trước Tết Nguyên đán, công việc ở các lò bánh tráng tại xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang vất vả hơn ngày thường, người làm bánh tráng thường thức dậy từ lúc 2-3 giờ sáng để nhóm bếp, làm bột, chờ nước sôi để bắt đầu tráng bánh. Gần 1 tháng qua, cũng như nhiều lò làm bánh tráng truyền thống khác, lò bánh tráng của gia đình chị Đoàn Thị Thúy Hằng, ấp Hậu Thuận lúc nào cũng đỏ lửa.

Chị Hằng cho biết, vào ngày thường, mỗi ngày chỉ tráng 15-20 kg gạo, nhưng vào dịp tết thì tráng hơn gấp đôi để cung ứng nhu cầu thị trường. Cô Nguyễn Thị Thu Hà, cùng ngụ ấp Hậu Thuận, gắn bó với nghề làm bánh tráng đã hơn 30 năm. Dù tuổi cao nhưng đến nay cô Hà vẫn tự tay xay bột, tráng bánh để kịp phơi nắng. Cô Hà kể, hầu hết các lò bánh tráng ở đây đều tồn tại theo phương thức mẹ truyền con nối. Giờ đây, cô Hà đã có thêm người con gái và con trai tiếp nối công việc truyền thống của gia đình.

Làng nghề  bánh tráng  Hậu Thành  hối hả  vào xuân.
Làng nghề bánh tráng Hậu Thành, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hối hả vào xuân.

Đến thăm Làng nghề bánh tét Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang không khí những ngày giáp tết khá rộn ràng. Cơ sở gói bánh tét Yến Duy của cô Dương Thị Liên hiện có 6 chị em cùng nhau làm, vừa tăng thu nhập kinh tế gia đình vừa gìn giữ nghề truyền thống của gia đình. Hiện cơ sở của cô Liên ngày thường gói gần 200 đòn bánh, chủ yếu giao cho các đầu mối và bán tại Chợ Cũ. Còn ngày tết, mỗi ngày cơ sở của cô gói hơn 1.000 đòn, với 5 loại bánh: Bánh chay, bánh chuối, bánh ngọt, bánh mỡ, bánh thịt và bánh hột vịt.

Tết Nguyên đán còn là mùa làm chính của nhiều nhà vườn. Cứ vào thời điểm tháng 10, 11 âm lịch, các hộ trồng hoa ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ tho đều tập trung vào việc trồng, chăm sóc… mong sao có những cây hoa, chậu hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất kịp bán vào dịp tết. Vụ hoa tết năm 2024, ông Cao Văn Một, ấp Mỹ Hòa xuống giống khoảng 8.000 giỏ hoa, chủ đạo vẫn là các loại như: Cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cát tường, mồng gà, vạn thọ…

Một mùa xuân nữa lại về, hứa hẹn đem đến thật nhiều niều vui cho các hộ dân, cơ sở sản xuất bánh, mứt, trồng hoa… trong tỉnh Tiền Giang. Thành quả lao động của họ đã góp chút hương xuân, tạo thêm nhiều niềm vui cho nhiều gia đình vui tết, đón xuân.

SỚM MAI

.
.
.