Tai nạn lao động và nỗi đau để lại
Đôi khi chỉ vì một phút bất cẩn hay sự cố ngoài ý muốn, những người bị tai nạn lao động (TNLĐ) phải vĩnh viễn ra đi hoặc mang thương tật suốt đời, để lại nỗi đau dai dẳng, khó nguôi ngoai cho chính bản thân và gia đình của họ.
Trong Tháng Công nhân, chúng tôi theo chân cùng Đoàn công tác của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang đến thăm các trường hợp bị TNLĐ. Trong đó, có trường hợp anh Lê Tấn Đức, sinh năm 1981, công nhân Công ty TNHH Cái Bè. Anh Đức kể, anh làm công nhân từ tháng 1-2023, ngày 23-9-2023, khi anh đang làm việc cẩu cừ trên bờ, thì một tài xế của công ty bất cẩn, quơ cừ vào người, làm anh bị gãy đùi phải, xương bể thành nhiều mảnh. Hậu quả là anh không đi lại được.
Đoàn công tác của LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đến thăm công nhân bị TNLĐ làm việc tại Công ty TNHH MTV Li Chuan Food (TP. Mỹ Tho). |
Trước đây, khi chưa bị tai nạn, anh Đức là lao động chính trong nhà, nuôi cha bị bệnh tai biến, mất trí nhớ và nuôi mẹ già lớn tuổi hay bị chóng mặt, huyết áp cao, sức khỏe kém. Vợ chồng anh có 2 người con, một bé học lớp 11 và bé nhỏ mới được 3 tuổi. Vợ anh làm nội trợ, ở nhà chăm sóc con nhỏ, gia đình không có ruộng vườn. Kể từ lúc anh gặp tai nạn thì việc đi lại của anh Đức rất khó khăn, anh chỉ ở nhà để tập đi lại nên không có thu nhập, chăm lo cho gia đình như trước. Từ khi anh vào viện đến nay, gia đình phải vay mượn tiền để lo chi phí tái khám, mua thuốc cho anh.
Tiếp tục các hoạt động chăm lo đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024, vừa qua, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà 6 công nhân bị TNLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mỗi nơi đến, Đoàn đã nắm bắt tình hình đời sống, sức khỏe và động viên công nhân nỗ lực vượt qua khó khăn, bệnh tật; đồng thời hỗ trợ mỗi trường hợp 1 triệu đồng. Theo LĐLĐ tỉnh, đây là hoạt động ý nghĩa của tổ chức Công đoàn nhằm chia sẻ một phần khó khăn với công nhân, người lao động. |
Với trường hợp anh Nguyễn Văn Chánh, sinh năm 1989, công nhân Công ty TNHH Uni President Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Tho, TP. Mỹ Tho), là lao động chính của gia đình. Tháng 8-2010, do sơ suất của đồng nghiệp đã làm anh bị mất đi một cánh tay, tỷ lệ thương tật 71%. Từ đó, sức khỏe giảm sút, khó khăn trong sinh hoạt. Từ lúc xảy ra tai nạn, gia đình anh cũng ly tán, vợ bỏ đi. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, đến tháng 9-2022, anh lại mắc thêm căn bệnh u tuyến giáp mạn tính, phải xin tạm ngừng việc (2 tháng) để đi xạ trị. Từ đó, cuộc sống của anh khó khăn lại càng khó khăn hơn khi chỉ có một mình vẫn cố gắng lao động để có thu nhập, lo cho 2 con nhỏ đang sinh sống cùng anh.
Không chỉ anh Đức, anh Chánh, mà thực tế ở tỉnh ta còn rất nhiều những gia đình phải gánh lấy nỗi đau từ những vụ TNLĐ. Đến xã Long Chánh (TP. Gò Công), chúng tôi không thể cầm lòng khi nghe người thân của anh Hồ Văn Sang kể lại sự việc. Anh Sang là công nhân Công ty cổ phần Công trình đô thị Gò Công, vào năm 2020, trong lúc làm việc, anh Sang đang điều khiển xe cẩu của công ty thì xe bị ngã, đè lên người, để lại thương tật rất nặng nề tới 99%. Anh phải sống đời sống thực vật cho đến nay. Hiện cha mẹ anh đã ở tuổi xế chiều nhưng vẫn phải chăm sóc anh như một đứa trẻ.
Hay trường hợp anh Nguyễn Văn Tèo, sinh năm 1971, công nhân Công ty TNHH MTV Li Chuan Food (TP. Mỹ Tho), bị TNLĐ tại công ty do bể ống hóa chất, xịt vào mắt, làm cho mắt bị mờ nặng (tỷ lệ 1/10 mắt trái, mắt phải tỷ lệ 3/10), không có khả năng điều trị. Vợ anh làm thuê tự do và nuôi con bị bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên phải nằm viện điều trị.
Đoàn đến thăm công nhân bị TNLĐ tại Công ty TNHH Uni President Việt Nam. |
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, năm 2023, cả nước xảy ra 7.394 vụ TNLĐ, có trên 7.500 người bị nạn. Trong đó, 699 người mãi mãi không trở về. Năm 2023, Tiền Giang xảy ra 172 vụ TNLĐ, số người bị TNLĐ là 174 người, làm chết 6 người, bị thương nặng 53 người. Các vụ TNLĐ xảy ra để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động, gia đình và xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ nhưng nguyên nhân chính phải kể đến đó là một bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ; còn chủ quan đối với công tác kiểm tra, đánh giá, nhận diện các nguy cơ về an toàn, vệ sinh lao động; không ít người lao động còn hạn chế về kỹ năng, thiếu kiến thức nên chưa tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, dẫn đến nhiều vụ TNLĐ thương tâm.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng cho biết, TNLĐ là điều không ai mong muốn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bị TNLĐ mà còn để lại nỗi đau dai dẳng cho người thân, gia đình. TNLĐ xảy ra, nhiều người ra đi vĩnh viễn, người còn sống cũng mang thương tật, nhiều gia đình vì thế mất đi chỗ dựa, gia sản ngày càng kiệt quệ. Để hạn chế số vụ TNLĐ cần sự vào cuộc từ cả hai phía, trong đó người lao động cần tuân thủ quy định làm việc, sử dụng phương tiện bảo hộ lao động, còn người sử dụng lao động cần chú ý đến việc trang bị bảo hộ an toàn lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn.
Để TNLĐ không còn là nỗi đau dai dẳng của xã hội, mỗi doanh nghiệp và người lao động cần tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn vệ sinh lao động; chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp…
LÝ OANH