.

Tiền Giang: Sản xuất phục hồi, doanh nghiệp khó tìm lao động

Cập nhật: 11:46, 17/07/2024 (GMT+7)

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) đã phục hồi sản xuất khiến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lao động nên công tác tuyển dụng tại các DN gặp nhiều khó khăn.

NHU CẦU TUYỂN LAO ĐỘNG TĂNG CAO

Trong 6 tháng đầu năm 2024, do các DN có đơn hàng trở lại nên nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông. Công ty TNHH Freeview Industrial Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) hiện tại đã nhận được đơn hàng sản xuất cho đến cuối năm 2024. Nhà máy có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động mới và bổ sung cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc khoảng 3.000 lao động trong 6 tháng đầu năm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang tăng cường kết nối việc làm với NLĐ.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang tăng cường kết nối việc làm với NLĐ.

Còn chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Ebisuya Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) cho biết, đầu năm 2024, số lao động tăng thêm 5,8% so với cuối năm 2023. Năm 2025, xưởng mới của công ty sẽ hoạt động, mở rộng sản xuất, dự kiến tuyển dụng thêm khoảng 200 - 300 công nhân, lao động. Công ty chuyên sản xuất hộp đựng mỹ phẩm, hiện tại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, đơn hàng cũng tăng hơn so với những năm trước.

Công ty TNHH Sản phẩm Thể thao giải trí Bestway Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang) có 100% vốn nước ngoài, với hơn 2.000 công nhân viên, lao động. Công ty đang tiến hành triển khai xây dựng giai đoạn 3 và 4; đồng thời, có kế hoạch phát triển lâu dài tại Việt Nam, mục tiêu của công ty sẽ có khoảng trên 4.000 công nhân viên, lao động.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng cho biết, Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm tham gia cùng với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin tình hình lao động, tổ chức sàn giao dịch, giới thiệu việc làm cho NLĐ… Theo đánh giá chung của tỉnh Tiền Giang, thì không chỉ có Tiền Giang mà cả nước hiện nay đang thiếu lao động rất trầm trọng. Nguyên nhân là do sau đại dịch Covid-19, những DN nghỉ trở về địa phương chuyển ngành nghề khác, có khi ra làm phi chính thức, không còn là DN.

Tại Tiền Giang, tỷ lệ NLĐ chờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 2,8% so với năm 2023, hiện có trên 10.000 NLĐ đang chờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khiến thiếu nguồn lao động. Ngoài ra, còn do chuyển dịch vùng lao động, chuyển dịch này hiện nay không còn như trước đây lao động chuyển lên các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… mà chuyển xa hơn; kể cả phía Bắc hiện nay cũng thiếu lao động rất lớn. Theo thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện các tỉnh, thành cả nước đều thiếu lao động.

Chị Hà Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) cho biết, 2 tháng gần đây, đơn hàng công ty đã có tăng. Do đó, công ty có tuyển dụng thêm công nhân, lao động và bố trí tăng ca để đáp ứng đơn hàng. Công ty đang tìm kiếm đơn hàng để vực dậy sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống NLĐ.

Qua thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang, DN có nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý II-2024 tăng so với quý I-2024. Cụ thể, trong quý I-2024 có 229 lượt DN đăng ký tuyển dụng lao động với tổng nhu cầu 6.178 vị trí lao động, số DN đăng ký tuyển dụng lao động tăng 202,7% và số vị trí lao động tăng 162,4. Từ quý II-2024, một số DN ngành may mặc, ba lô, túi xách và chế biến thủy sản có đơn hàng trở lại nên có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông, dự kiến số lượng DN tuyển dụng sẽ tăng trong thời gian tới.

TUYỂN DỤNG GẶP KHÓ

Các DN đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang để đăng ký tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, phỏng vấn tuyển dụng lao động. Theo đó, hằng tuần, trung tâm đều tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm và được rất nhiều DN đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, trung tâm cũng mời các DN tham gia các Phiên giao dịch việc làm, Ngày hội Việc làm lưu động tại các địa phương. Tuy nhiên, tình hình tuyển dụng vẫn gặp không ít khó khăn.

Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho (Cụm công nghiệp  Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) tham gia tuyển dụng lao động tại Ngày hội Việc làm.
Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) tham gia tuyển dụng lao động tại Ngày hội Việc làm.

Chị Hà Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal cho biết, công ty có nhu cầu tuyển dụng nhưng nguồn lao động để tuyển không nhiều. Vừa qua, công ty có tham gia Ngày hội Việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang tổ chức, dù tham gia nhưng lại không tuyển được lao động, do đối tượng tham dự Ngày hội Việc làm chủ yếu là học sinh, sinh viên. Không chỉ riêng Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal mà các DN khác tham gia Ngày hội Việc làm cũng không tuyển được lao động.

Đến cuối năm 2024, Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang) cần số lượng khoảng 10.000 NLĐ, hiện tại chỉ đạt ở mức hơn 8.000 NLĐ. Số NLĐ đang thiếu rất nhiều, dự kiến mỗi tháng tuyển dụng 500 - 600 lao động. Chị Lê Thị Ngọc Hân, Chủ tịch CĐCS Công ty cho hay, CĐCS cùng DN cũng như các bộ phận của công ty đều sử dụng tất cả các kênh tuyển dụng, như: Đăng thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, trang web tuyển dụng, tham gia hội chợ việc làm, đến tận các trường đại học, trung cấp, trường nghề, phát tờ rơi tìm nguồn lao động để tuyển; hay đến từng địa phương, UBND các xã để tổ chức Ngày hội Việc làm; phối hợp với Đoàn Thanh niên tuyên truyền về tuyển dụng lao động mỗi tuần 1 lần. “Đến nay, công ty đã đi hết các xã trong tỉnh Tiền Giang, không còn xã nào là chưa đi nhưng tình hình tuyển dụng lao động vẫn không khả quan”, chị Hân cho biết thêm.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các DN, huyện, thị, thành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm của NLĐ để tư vấn, định hướng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động… Từ đó, có kế hoạch cung ứng lao động đảm bảo cả về số lượng và chất lượng lao động cho các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang, nhu cầu các DN về trình độ tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ 27,53%; trong đó, lao động trình độ trung cấp chiếm 4,21%, cao đẳng 1,85%, đại học trở lên 2,96% và sơ cấp/Chứng chỉ đào tạo 18,51% tập trung ở các nhóm ngành kinh tế, kế toán, ngoại ngữ, điện, cơ khí. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 72,47%, chủ yếu là tuyển dụng công nhân các ngành may mặc, giày da, ba lô, túi xách và chế biến thủy sản. Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều tại một số DN trong các khu, cụm công nghiệp: Long Giang, Tân Hương, Tân Mỹ Chánh, Trung An và một số DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động ở khu vực các huyện Cai Lậy, Chợ Gạo, Châu Thành, TX. Cai Lậy, TP. Mỹ Tho.

Trong các khu, cụm công nghiệp, DN hiện đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động như: Công ty TNHH Hansae Tiền Giang (tuyển 800 lao động), Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang (tuyển 500 lao động), Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho (tuyển 500 lao động), Công ty cổ phần Taekwang Vina (tuyển 500 lao động), Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (tuyển 300 lao động), Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (tuyển 150 lao động), Công ty cổ phần May Sông Tiền (tuyển 150 lao động), Công ty TNHH Công nghiệp Yegin Việt Nam (tuyển 250 lao động), Công ty TNHH Công nghiệp Bellinturf Việt Nam (tuyển 500 lao động)...

Về tuyển dụng lao động ngoài khu, cụm công nghiệp, các DN hiện có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh như Công ty TNHH EZ Investment (tuyển 200 lao động), Công ty TNHH New Shoes Tiền Giang (tuyển 200 lao động), Công ty TNHH Song Seng Tiền Giang (tuyển 500 lao động), Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Mỹ Tho (tuyển 250 lao động), Nhà máy Chế biến Nông thủy sản xuất khẩu An An (tuyển 200 lao động), Công ty TNHH Choi&Shin Vina (tuyển 150 lao động), Công ty Thực phẩm Vĩnh Kim (tuyển 200 lao động), Công cổ phần Tex-Giang chi nhánh Chợ Gạo (tuyển 800 lao động), Công ty TNHH LTS Vina (tuyển 100 lao động), Công ty TNHH MTV Wondo Vina (tuyển 100 lao động)…

LÝ OANH

.
.
.