.

La Nina xuất hiện, gây tác động gì đến Việt Nam?

Cập nhật: 19:44, 27/10/2024 (GMT+7)

Cơ quan Khí tượng thủy văn vừa đưa ra dự báo, La Nina có thể xuất hiện từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025. Dưới tác động của hiện tượng này, bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Người dân Quảng Ninh khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ảnh: Thành Đạt
Người dân Quảng Ninh khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ảnh: Thành Đạt

Bão đi vào Biển Đông

Trong khi đó, ngày 22/10, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão (bão Trami). Đây là cơn bão thứ 20 trên vùng biển tây Thái Bình Dương, được đặt theo tên một loài hoa. Khi vào Biển Đông vào ngày 25/10, trở thành cơn bão số 6.

Để ứng phó với mưa lớn ở miền trung và cơn bão Trami có khả năng đi vào Biển Đông này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định; các bộ liên quan, yêu cầu theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Ở trên đất liền, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn...

Chủ động phòng chống thiên tai

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tại hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính nhưng nghiêng dần về pha lạnh (với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino 3.4 đang thấp hơn trung bình nhiều năm là âm 0,3 độ C vào tuần đầu tháng 10/2024).

Dự báo thời kỳ từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%. Trong thời kỳ này, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông khoảng 2,8 cơn, đổ bộ vào đất liền khoảng 1,1 cơn). “Bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía nam. Đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông”, cơ quan khí tượng cảnh báo.

Đối với mưa lớn, dự báo trong vòng một tháng tới khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng. Sau đó, các đợt mưa lớn sẽ tiếp tục xuất hiện tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong tháng 11/2024. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng cuối tháng 11 tại Tây Nguyên và Nam Bộ và cuối tháng 12/2024 tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ).

Cơ quan Khí tượng dự báo, rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện nhiều trong tháng 11 - tháng 12/2024. Trong đó, hiện tượng rét đậm ở miền bắc có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương trung bình nhiều năm). Việc không khí lạnh hoạt động mạnh trong tháng 11 - tháng 12 năm nay cũng khiến nhiệt độ trung bình năm 2024 thấp hơn mọi năm.

Hiện tượng La Nina là pha ngược với El Nino, chỉ hiện tượng khi lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, kéo dài một khoảng thời gian. Khi xảy ra hiện tượng La Nina, ở vùng phía đông và trung tâm Thái Bình Dương, hoạt động đối lưu yếu hơn bình thường, làm cho vùng này vốn ít mưa càng ít mưa hơn, khô hạn nghiêm trọng hơn. Ở vùng phía tây Thái Bình Dương và lân cận, bao gồm Đông Nam Á, nhìn chung đối lưu tăng lên, hoạt động giông bão mạnh mẽ hơn, mưa nhiều hơn.

Đưa ra cảnh báo, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đối với các tỉnh vùng núi phía bắc, chúng ta phải tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét. Cần phải có những biện pháp, đặc biệt cũng như nâng cao công tác tuyên truyền, kỹ năng hướng dẫn cho người dân và các cấp chính quyền cơ sở; chủ động rà soát những khu vực dân ở, có nguy cơ rủi ro cao cần tổ chức di dời, khơi thông luồng lạch bị ách tắc... Khi có tình huống thiên tai xảy ra, các chính quyền địa phương cần túc trực, tăng cường lực lượng hướng dẫn, theo dõi, giám sát.

Đối với các tỉnh miền trung và các khu vực khác nói chung, cần chủ động rà soát ngay phương án ứng phó với bão, lũ lớn, đặc biệt sự vào cuộc của tất cả người dân và chính quyền cơ sở đóng vai trò then chốt, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong phòng chống thiên tai hiện nay.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần bám sát thông tin dự báo, đặc biệt dự báo thời tiết, theo dõi hiện tượng thời tiết xảy ra bất thường như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn hay rét đậm rét hại để có ứng phó kịp thời.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.