.
ĐỂ THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI BỀN VỮNG:

Cần chế tài mạnh, thực thi nghiêm

Cập nhật: 19:53, 29/11/2024 (GMT+7)

Thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng và Nhà nước đã thiết lập thể chế tương đối đầy đủ về công tác bình đẳng giới (BĐG), tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh công tác BĐG nói chung, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trước bạo lực giới vẫn đang diễn biến phức tạp nói riêng, đòi hỏi cần tiếp tục có những biện pháp mang tính đột phá.

HÀNH ĐỘNG ĐỂ XÓA BỎ BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực; trong đó đổi mới hình thức, chú trọng nội dung tuyên truyền ngay từ cơ sở được coi là giải pháp hiệu quả; lên tiếng và cùng hành động trong phòng, chống BLGĐ.

Tuyên truyền về BĐG trong hội viên, phụ nữ huyện Cai Lậy.
Tuyên truyền về BĐG trong hội viên, phụ nữ huyện Cai Lậy.

Cùng với đó, các cấp, các ngành, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều hoạt động tham mưu, phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ. Theo đó, các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động… từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, hội thi… về BĐG, phòng, chống BLGĐ.

Đồng thời, duy trì, nâng chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ như: “Phụ nữ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, “Bình đẳng giới”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”…; phát huy vai trò của các đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Điển hình như mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang qua gần 6 năm hoạt động đã hòa giải 15 vụ việc liên quan đến BLGĐ, tư vấn, trợ giúp trên 17 phụ nữ gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Năm 2019, chị B.T.P., quê tỉnh Bến Tre theo chồng về làm dâu tại xã Bình Nhì, bị gia đình chồng đánh, gây thương tích và bị mẹ chồng đuổi chị P. cùng 2 con ra khỏi nhà. Phát hiện vụ việc, Hội LHPN xã Bình Nhì phối hợp Công an xã, lãnh đạo ấp nơi chị P. sinh sống đã kịp thời xác minh vụ việc, hỗ trợ 3 mẹ con chị. Đồng thời, các hội, đoàn thể đã phối hợp động viên, giúp chị P. giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.

Theo Hội LHPN xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang người dân đã không còn e ngại, che giấu hành vi BLGĐ như trước, trong đó có chị em phụ nữ mạnh dạn viết đơn hoặc đến gặp và trình bày trực tiếp với Hội LHPN xã cũng như các ngành liên quan như: Công an, Tư pháp… khi bị BLGĐ.

Do vậy, người tiếp nhận thông tin kịp thời, tìm hiểu nhanh để nắm rõ nguyên nhân vụ việc, từ đó tiếp cận phân tích “cái lý, cái tình” trong những tình huống cụ thể nhằm thuyết phục các bên hòa giải và đi đến kết quả tốt nhất.

Chẳng hạn như trường hợp gia đình của một phụ nữ ở ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong gia đình mà dẫn đến cãi nhau, rồi chồng đánh vợ. Người vợ đã đến gặp trực tiếp Hội LHPN xã nhờ hỗ trợ giúp đỡ và hiện nay gia đình của người phụ nữ này không còn mâu thuẫn.

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp; triển khai hiệu quả các mô hình, Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, “Đội phòng, chống BLGĐ”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, “Tổ An toàn cho phụ nữ và trẻ em”…; tuyên truyền người dân, gia đình mạnh dạn lên tiếng, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến BLGĐ. Từ đó, các tệ nạn về xã hội và BLGĐ được kéo giảm, cụ thể năm 2014, huyện Cai Lậy có 31 vụ việc liên quan đến BLGĐ, kể từ năm 2019 đến nay, không có trường hợp vi phạm về BLGĐ.

“LÁ CHẮN” BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI TRÊN LĨNH VỰC GIỚI

Trong số những văn bản pháp lý quan trọng về BĐG ở Việt Nam, Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) được cho là một trong những “lá chắn” vững chắc bảo vệ quyền con người trên lĩnh vực giới. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), gồm 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ; điều kiện bảo đảm phòng, chống BLGĐ; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống BLGĐ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định 76 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 để làm rõ và củng cố thêm. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 428 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ.

Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) xác định rõ hành vi BLGĐ, tính chất, mức độ từng hành vi sẽ nâng cao biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn BLGĐ, giảm các chi phí khắc phục hậu quả do BLGĐ gây ra, từ đó thúc đẩy kinh tế gia đình, kinh tế đất nước phát triển. Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), từ 1-7-2023, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc thực thi các chính sách, pháp luật về BĐG và bảo vệ phụ nữ ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.

Sau khi luật được ban hành, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể và các tổ chức xã hội đã có những cải thiện rõ rệt. Các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, các tổ chức phi chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ hơn, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ như tư vấn pháp lý, tâm lý và nơi tạm trú.

Các cơ quan chức năng, từ Công an, Tòa án đến chính quyền cấp cơ sở đã có sự quan tâm và xử lý nghiêm túc hơn đối với các vụ BLGĐ. Nhiều vụ án liên quan đến bạo hành phụ nữ, trẻ em gái được đưa ra xét xử và hung thủ bị nhận những bản án thích đáng.

Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) đã đưa ra các quy định cụ thể về xử lý nghiêm các vụ bạo lực, vấn đề BLGĐ nói chung và vấn đề bạo lực giới nói riêng được kỳ vọng sẽ giải quyết một cách căn bản, triệt để. Với việc tăng cường sự thực thi các chính sách và pháp luật thông qua giám sát, phản biện xã hội ở các lĩnh vực liên quan và có các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm để đảm bảo các chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Đẩy mạnh giáo dục về BĐG không chỉ dừng lại ở các chiến dịch tuyên truyền mà cần được tích hợp vào chương trình học trong trường học và được thực hiện thường xuyên trong cộng đồng. Điều này sẽ giúp thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ, từ đó tạo ra những thay đổi bền vững trong xã hội.

HỮU NGHỊ - T.H

.
.
.