Khi phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể
Từ khi có Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 01), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh và chỉ đạo Hội LHPN các cấp tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đề án 01 nhằm mục tiêu củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và người lao động trong HTX; nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX...
NHIỀU CÁCH LÀM HAY, HIỆU QUẢ
Rất nhiều phụ nữ đang tham gia lãnh đạo hoặc lao động tại các mô hình kinh tế tập thể, dẫn dắt mô hình này hoạt động hiệu quả và đạt được những thành công nhất định. Nhiều HTX, tổ hợp tác (THT) do nữ tham gia quản lý đã đưa các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập. Thực tế hiện nay, phụ nữ tham gia làm chủ các mô hình kinh tế tập thể ngày càng phổ biến. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 271 HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân và 346 THT. Trong đó, có 13 HTX do phụ nữ quản lý với 475 thành viên.
Hội LHPN tỉnh tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, THT do phụ nữ làm chủ, quản lý, điều hành. |
Các HTX do phụ nữ quản lý đang khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc thu hút, tập hợp lực lượng lao động nữ tham gia, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, mang về thu nhập cho các thành viên mỗi tháng từ 2,5 đến 7 triệu đồng và giúp hàng ngàn lao động nữ có việc làm, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, Nhà nước cũng đang có những chính sách hỗ trợ các HTX do nữ quản lý, nữ khởi nghiệp và sử dụng nhiều lao động nữ. Ngay trong Luật HTX năm 2023 đã có những quy định ưu tiên cho các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, để thu hút phụ nữ vào HTX cũng như nâng cao năng lực của các HTX do phụ nữ làm chủ, các chuyên gia cho rằng, cần giúp các HTX này tháo gỡ những khó khăn về quy mô nhỏ, vốn ít, sự bất bình đẳng giới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mô hình kinh tế này cũng như ngày càng thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Trong đó, tăng cường khai thác nguồn lực hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế giúp phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX, THT do các cấp Hội LHPN tỉnh thành lập. Tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới vào doanh nghiệp, HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý. Truyền thông, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ HTX, THT do phụ nữ quản lý ứng dụng khoa học công nghệ, đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của HTX, THT tại địa phương lên sàn thương mại điện tử; kết nối học tập, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các HTX do phụ nữ quản lý ngoài tỉnh…”. PHÓ CHỦ TỊCH HỘI LHPN TỈNH ĐẶNG THỊ NGỌC ĐIỆP |
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, cách làm hay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, tác động chính sách, đào tạo khởi nghiệp và quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng, pháp lý, xây dựng mạng lưới liên kết doanh nghiệp nữ, xây dựng mô hình kinh tế tập thể. Hỗ trợ phụ nữ thiết lập trang web, Facebook, Fanpage cá nhân để livestream, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; ứng dụng phần mềm thương mại điện tử tiếp thị sản phẩm trên các trang web…
Bên cạnh đó, nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp định hướng cho các cấp Hội triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển nhiều đề án, mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ thực hiện.
Ưu tiên hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất; trang bị kiến thức cơ bản về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; hướng dẫn, định hướng mô hình sinh kế; thành lập nhóm cùng sở thích để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; kỹ năng tiếp thị, bán hàng và thương mại hóa sản phẩm...
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết, vừa qua, Hội đã phối hợp Tổ chức Liên minh Nauy tại Việt Nam tổ chức 2 lớp tập huấn thúc đẩy hoạt động thương mại cho doanh nghiệp nữ, HTX, THT trên địa bàn tỉnh. Với chủ đề “Tăng tốc doanh nghiệp”, các nữ làm chủ doanh nghiệp, HTX, THT, kế toán phụ trách tài chính tại doanh nghiệp được tập huấn, nghiên cứu môi trường kinh doanh; tìm hiểu khách hàng và đối thủ cạnh tranh; xác định nhu cầu thị trường; kênh bán hàng; xác định các chi phí trong kinh doanh, giá bán, lập kế hoạch tài chính, báo cáo tài chính về chi phí, lợi nhuận, cân đối tài sản/dòng tiền và các chỉ số…
Song song đó, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức tập huấn tuyên truyền cho trên 380 cán bộ Hội các cấp về thực hiện Đề án Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hoạt động truyền thông hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 cho trên 100 chị là thành viên tổ nhóm sinh kế, HTX, THT có phụ nữ làm chủ. Tổ chức hội nghị lãnh đạo Hội LHPN, sở, ngành liên quan gặp gỡ các nữ làm chủ, quản lý, điều hành doanh nghiệp, HTX, THT, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành các mô hình kinh tế tập thể. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ; quy trình vận động thành lập và phát triển kinh tế tập thể, HTX tại địa phương. Các ngành chuyên môn cũng đã thông tin về những nội dung xây dựng, triển khai và hỗ trợ đầu tư các chính sách cho kinh tế tập thể sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt là đối với phụ nữ; các quy định, hướng dẫn đăng ký thành lập HTX, đăng ký sản phẩm OCOP…
KHI PHỤ NỮ LÀM CHỦ KINH TẾ TẬP THỂ
Ngày càng có nhiều phụ nữ tài năng và sáng tạo, những tấm gương điển hình, đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Đội ngũ nữ doanh nhân, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại, HTX, THT, câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đặc biệt ngày càng có nhiều sản phẩm tiêu biểu của chị em được tôn vinh.
Trên những cánh đồng khóm bạt ngàn, các chị em thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, cùng nhau chăm sóc khóm. Khởi nghiệp với niềm yêu thích, nhận thấy tiềm năng lớn từ nguồn nguyên liệu khóm, chị Lê Thị Bích Phượng (thành viên Hội đồng quản lý HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông) quyết định thành lập THT Ươm cây giống khóm, cùng các thành viên trong THT giúp đỡ nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương mình. HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông đi vào hoạt động từ tháng 12-2021, thực hành ươm giống, trồng nông sản hướng hữu cơ, chủ yếu sử dụng phân chuồng đã hoai mục trong quá trình chăm sóc cây, cung cấp các sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng như khóm, khoai mỡ, thanh long, mít…
Chị Lê Thị Bích Phượng cho biết: “Nhờ tuân thủ định hướng kinh tế tuần hoàn, trong hoạt động, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông cũng như THT Ươm cây giống khóm tận dụng toàn bộ phân chuồng, rễ, thân cây khoai mỡ, cây khóm già, lục bình… để ủ làm phân hữu cơ giàu dinh dưỡng tưới cho khóm, từ đó tạo nên những trái khóm chất lượng. Mỗi năm, HTX cung cấp hàng trăm tấn khóm sạch và hàng ngàn cây khóm giống đạt chất lượng cho thị trường”.
Trong suốt quá trình khởi nghiệp, thành lập, duy trì hoạt động và phát triển HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, chị Lê Thị Kim Chi luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp Hội LHPN. Chị Chi được tham gia vào các khóa học hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, các hội chợ sản phẩm nông nghiệp, diễn đàn, cuộc thi về sản xuất, kinh doanh do các cấp Hội LHPN tổ chức.
HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong được thành lập từ năm 2017 với chức năng sản xuất, kinh doanh rau củ quả, trong đó tập trung phát triển trồng, sản xuất, kinh doanh trái dưa lưới. Trước đây, chị Chi trồng dưa lưới với quy mô nhỏ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Sau đó, thấy mô hình sản xuất dưa lưới có hiệu quả, nhất là ít bị cạnh tranh về đầu ra như các mặt hàng nông sản khác nên chị tiếp tục thuê đất nhân rộng mô hình này. HTX hiện có hơn 100 thành viên chuyên sản xuất dưa lưới với trên 100 nhà lưới. Ngoài việc bán lẻ, HTX còn ký hợp đồng với hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, các thương lái tại địa phương thu mua nên đầu ra ổn định. Sản phẩm đã được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022.
Không chỉ có thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tại các HTX do phụ nữ quản lý, chị em còn tích cực hỗ trợ nhau trong đời sống, cùng nhau vươn lên. Trước đây, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn phải đi làm xa, thu nhập ít ỏi chỉ vài triệu đồng, lại không thể chăm sóc được con cái. Với việc cùng tham gia vào HTX, chị em đã có việc làm gần nhà, vừa có thu nhập, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình tốt hơn.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 01 trong thời gian tới, ngoài phát huy nền tảng, nội lực sẵn có thì các cấp Hội LHPN tỉnh đang hướng đến kế hoạch phối hợp chặt chẽ hơn với đơn vị, ngành chức năng và rất cần sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của doanh nghiệp, hội viên, phụ nữ… để đạt được sự đồng bộ, hiệu quả cao từ khâu quán triệt cho đến thực hiện.
LÊ PHƯƠNG