.

Nam giới cần được thấu hiểu và chia sẻ

Cập nhật: 16:19, 18/11/2024 (GMT+7)

Ngày 19 -11, Ngày Quốc tế Nam giới (còn gọi là Ngày Quốc tế Đàn ông) nhằm tôn vinh giá trị tích cực mà đàn ông mang lại cho thế giới, gia đình và cộng đồng. Năm 2024, Ngày Quốc tế Nam giới có chủ để “Những nhà vô địch về sức khỏe nam giới”.

TÔN VINH ĐÓNG GÓP CỦA NAM GIỚI

Ngày Quốc tế Nam giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999, do Tiến sĩ Jerome Teelucksingh sáng lập. Ông là giảng viên lịch sử tại Đại học Tây Ấn ở Trinidad và Tobago. Ông đã chọn ngày 19-11 như một lời tri ân đối với người cha của mình.

Ngày Quốc tế Nam giới năm 2024  có chủ đề  “Những nhà  vô địch về  sức khỏe  nam giới”,  nhằm hướng đến cải thiện  sức khỏe  nam giới.
Ngày Quốc tế Nam giới năm 2024 có chủ đề “Những nhà vô địch về sức khỏe nam giới”, nhằm hướng đến cải thiện sức khỏe nam giới.

Ông cũng khuyến khích mọi người sử dụng ngày này để tuyên truyền các vấn đề ảnh hưởng đến nam giới và các bé trai. Ý tưởng này nhanh chóng được chấp nhận trên toàn cầu và được nhiều quốc gia áp dụng, bao gồm Úc (2003) và Ấn Độ (2007).

Tuy nhiên, theo internationalmensday.com, trang web chính thức của Ngày Quốc tế Nam giới, được tài trợ bởi Tổ chức làm cha Dads4Kids có trụ sở tại Australia, nhu cầu về một ngày lễ dành riêng cho “đấng mày râu” có thể bắt nguồn từ những năm 1960, với ý tưởng dành riêng cho nam giới một ngày, tương tự như Ngày Quốc tế Phụ nữ, được tổ chức hằng năm vào ngày 8-3.

Ngày Quốc tế Nam giới đã nhận được sự ủng hộ lớn ở khu vực Mỹ Latin và Caribe trong những năm đầu thành lập nhờ khả năng kết nối bền bỉ và những lời mời gửi đến các quốc gia khác. Từ đó, Ngày Quốc tế Nam giới đã ngày càng phổ biến rộng rãi trên thế giới.

Từ những năm đầu của thập niên 2020, ngày kỷ niệm này cũng được chú ý tại Việt Nam, và có những hoạt động tặng quà cho nam giới. Mục đích của Ngày Quốc tế Nam giới là tập trung vào sức khỏe của nam giới và trẻ em nam, cải thiện quan hệ giữa các giới, thúc đẩy bình đẳng giới và làm nổi bật vai trò của nam giới.

Đây là dịp để nam giới nêu bật sự phân biệt đối xử với họ và để kỷ niệm những thành tựu, đóng góp của mình, đặc biệt là đóng góp đối với cộng đồng, gia đình, hôn nhân và chăm sóc con cái. Hiện nay, Ngày Quốc tế Nam giới nhận được sự ủng hộ trên toàn cầu.

Kế tiếp Ngày Quốc tế Nam giới là Ngày Thiếu nhi thế giới 20-11 tạo ra một lễ kỷ niệm 48 giờ của nam giới và trẻ em tương ứng với thời gian đó là vai trò của người lớn đóng góp tích cực trong cuộc sống của trẻ em và được công nhận.

Theo người sáng lập của ngày này, Ngày Quốc tế Đàn ông không có nghĩa là để cạnh tranh với Ngày Quốc tế Phụ nữ, mà nhằm phục vụ mục đích nêu bật và trao đổi kinh nghiệm của nam giới. Mỗi năm, một chủ đề riêng được đề xuất, chẳng hạn như trong năm 2002 là “Hòa bình”, năm 2003 là “Sức khỏe nam giới”, năm 2007 là “Chữa lành và tha thứ”, năm 2023 là “Không có nam giới tự sát” và năm 2024 là “Những nhà vô địch về sức khỏe nam giới”, nhằm đáp lại một trong sáu mục tiêu chính của Ngày Quốc tế Đàn ông, đó là cải thiện sức khỏe nam giới và trẻ em.

ÁP LỰC CỦA ĐÀN ÔNG ĐÍCH THỰC

Từ xưa đến nay, phụ nữ được mặc định là giới phải chịu thiệt thòi, đang bị tụt lại phía sau. Các nghiên cứu xã hội học về giới cũng tập trung vào đối tượng là nữ giới, giải quyết những vấn đề của nữ giới. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng đều phải đối mặt với những áp lực, khó khăn riêng. Nhưng với đàn ông, nhiều khi áp lực không chỉ tới từ công việc, mà họ phải gánh vác trên vai nhiều gánh nặng, trong đó có cả những gánh nặng vô hình.

Trong quan niệm truyền thống của người Việt, người đàn ông chính là trụ cột gia đình nên từ khi họ sinh ra đã được dạy phải gánh vác trên vai trách nhiệm này. Đàn ông phải kiếm tiền nuôi cha mẹ, vợ con, phải thành công trong sự nghiệp, phải có sức khỏe tốt để gánh vác các việc nặng nhọc trong gia đình, phải mạnh mẽ để chở che cho phụ nữ. Những định kiến giới này khiến không ít người đàn ông cảm thấy mệt mỏi, áp lực... mà cũng không dám bộc lộ ra ngoài.

Theo thông tin từ Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thực tế nam giới không ổn như mọi người vẫn tưởng, họ đã và đang gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý, tinh thần. Nguyên nhân sâu xa của sự không ổn đó đến từ hình mẫu chuẩn của người đàn ông đích thực.

Điều đó khiến vấn đề của họ trở nên trầm trọng hơn. Là phái mạnh, nam giới không dễ chia sẻ những khúc mắc của mình với người khác, vì cho rằng, đàn ông là trụ cột nên nếu họ kiếm ít tiền hơn vợ, họ sẽ cảm thấy mình kém cỏi; là phải mạnh mẽ nên nếu họ ốm yếu, không ít người sẽ nghĩ mình vô dụng; phải bản lĩnh, nên khi gặp khó khăn, mất phương hướng, nhiều người sẽ tìm cách che giấu…

Những điều này nhiều khi làm cho không ít người đàn ông cảm thấy cô đơn ngay trong chính tổ ấm của mình. Việc duy trì những định kiến giới theo quan niệm cũ khiến vợ chồng đôi khi khó chia sẻ, thấu hiểu nhau, gây ra những mâu thuẫn không đáng có.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu phát triển xã hội năm 2019 có gần ¼ số nam giới được phỏng vấn nói rằng họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% bị áp lực kinh tế, gần 70% bị áp lực về sự nghiệp.

NGỌC VÕ 


 

.
.
.